UD-CK
Cũng đứng trên bục giảng, soạn đề cương bài giảng, đưa ra các yêu cầu khắt khe với học viên, đặt ra các tiêu chuẩn để “qua môn”… nhưng họ không phải là giảng viên.

Nói một cách chính xác, họ là “bạn” của sinh viên, là những người đi trước “đối thoại” với người đi sau về một công việc mà họ có chung mục tiêu. Đó chính là những đại diện của doanh nghiệp, những người “truyền lửa” mà bất cứ sinh viên nào cũng muốn được học hỏi, tiếp xúc.

 

Sáng ngày 17/3, tại phòng học A204, sinh viên của hai lớp K814TT và K915TT, ngành Công nghệ thông tin, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã có một buổi học rất sinh động và cuốn hút với ThS. Nguyễn Thị Hồng Thuý, Kỹ sư phần mềm thuộc Công ty Axon Active Vietnam - Chi nhánh Đà Nẵng. Ngoài kiến thức chuyên ngành, rất nhiều “câu chuyện doanh nghiệp thực tế” được cô Thúy nhiệt tình chia sẻ với các bạn. Đây có lẽ là những kinh nghiệm, bài học mà các bạn sinh viên khó có thể “mua” được trong những cuốn giáo trình hay những tài liệu chia sẻ trên Internet.

 

ThS. Nguyễn Thị Hồng Thuý, Kỹ sư phần mềm thuộc Công ty Axon Active Vietnam - Chi nhánh Đà Nẵng


Tại UD-CK, bên cạnh các giảng viên cơ hữu, nhà trường cũng thường xuyên mời đại diện của các doanh nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp liên quan đến các ngành đào tạo của nhà trường đến giảng dạy và trao đổi với các bạn sinh viên. Ngoài các kiến thức về chuyên ngành được trau dồi thì đây còn là cơ hội rất tốt để các bạn sinh viên có cơ hội học hỏi các bài học thực tế từ những người đang hoạt động, làm việc ở lĩnh vực liên quan. 


Kinh nghiệm từ “người thật, việc thật”


Không ai có thể chia sẻ cho bạn những vấn đề bạn sẽ gặp phải trong lĩnh vực nghề nghiệp mình theo đuổi bằng chính những người đã và đang làm việc trong lĩnh vực ấy. Chính vì thế, những kinh nghiệm làm việc, cách đối đầu và khắc phục liên quan đến nghiệp vụ mà họ đã áp dụng và vượt qua sẽ là bài học quý giá mà các bạn sinh viên có thể ghi nhớ và áp dụng trong tương lai. 

 

ThS. Nguyễn Thị Hồng Thuý tiếp "ngọn lửa cho giấc mơ tương lai " cho sinh viên.


Có lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp


Đối với 1 ngành nghề sẽ có nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ như đối với sinh viên ngành Công nghệ thông tin khi ra trường có thể đảm nhận những vị trí khác nhau như: Lập trình viên; Kiểm thử phần mềm; Thiết kế và quản trị website; Thiết kế đồ họa và quảng cáo… Nhưng làm sao biết mình có thế mạnh về lĩnh vực nào để học chuyên sâu về lĩnh vực ấy? Hay học theo kiểu “Cái gì cũng biết nhưng không có cái nào thực sự giỏi”? Hãy cùng đại diện doanh nghiệp trả lời câu hỏi “Ra trường em muốn làm gì?”. Khi bạn xác định được mục tiêu mình hướng đến, “người thầy” đứng trên bục giảng kia sẽ nói với bạn những thứ cần trang bị. Họ cũng sẽ giới thiệu cho bạn những kiến thức mới, cơ hội mới để giúp bạn học chuyên sâu hơn lĩnh vực mình sẽ theo đuổi. 


Biết cách “né” sai lầm


Trong quá trình học tập tại nhà trường, các bạn sinh viên sẽ được giảng viên nhắc nhở rằng, bất cứ ai cũng sẽ gặp những sai lầm trong công việc và dẫn đến những hậu quả khác nhau, ảnh hưởng đến công việc và sự thăng tiến. Nhưng làm sao biết được những sai lầm cụ thể đó là gì và nguy cơ mắc phải có cao hay không, cách để tránh gặp phải những lỗi ấy… Người đưa ra cho bạn câu trả lời chính xác nhất không ai khác là những người “đã trải qua” hoặc “đã chứng kiến” những sai lầm ấy. Họ, chính là những “người thầy” đến từ các doanh nghiệp.


Biết cách tìm kiếm cơ hội để thành công


Ai là người có nhiều ý tưởng khởi nghiệp có tính ứng dụng và đi theo đúng nhu cầu người dùng nhất trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi? Ai có thể chia sẻ cho bạn những cơ hội, thách thức thực tế nhất về công việc bạn muốn làm? Ai có thể cho bạn nhiều kinh nghiệm nhất để biết cách “kiếm tiền” hiệu quả?...Vâng, đó vẫn chỉ có thể là “người của doanh nghiệp”, những người đã bắt đầu và đi lên, trải qua những vấn đề mà bạn có thể cũng sẽ gặp phải. Họ chính là “chiếc gương” tốt nhất để bạn soi vào và tìm hướng đi hiệu quả cho mình.

 

 

 

Cô trò hăng say trao đổi và thảo luận bài học


Chính vì thế, bên cạnh những kiến thức chuyên ngành được trang bị bởi các thầy cô bộ môn thì những “bài học thực tế” đến từ những cán bộ thuộc các doanh nghiệp liên quan sẽ giúp trang bị cho sinh viên đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để có thể tự tin với ngành nghề mình theo học và ứng tuyển vào vị trí bản thân mong muốn.