UD-CK
Sáng ngày 20/3, các bạn sinh viên Lớp K915TH, Ngành Giáo dục Tiểu học đến lớp sớm hơn thường lệ.

Hành trang các bạn mang đến trường không chỉ có giáo trình, sách vở mà còn lỉnh kỉnh xách theo rất nhiều thứ như váy áo, mỹ phẩm, các phụ kiện mô hình như nhà, ngựa, các con vật, hình bông hoa, cây cối… Giảng viên đứng lớp cũng cho giờ học trễ hơn một chút để các nhóm chia nhau tập lời thoại, trang điểm, thay đồ chuẩn bị lên “sân khấu”.


Hôm nay, các bạn thực hành môn Lý thuyết hội thoại do TS. Lê Văn Trung, đến từ Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng trực tiếp giảng dạy. 

 

TS. Lê Văn Trung, đến từ Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng đứng lớp 


Môn học này giúp các “nhà giáo tương lai” trang bị kỹ năng chuyển từ ngôn ngữ kể chuyện sang hội thoại của các vở kịch ngắn, mục đích nhằm tăng sự giao tiếp, sáng tạo và tìm tòi cho học sinh. Đồng thời, môn học cũng giúp sinh viên biết cách chuẩn bị các đoạn hội thoại phù hợp, cách quan sát và đánh giá năng lực cá nhân tham gia thông qua tiết mục biểu diễn. Từ đó tăng khả năng đánh giá năng lực học sinh trong tương lai.


Hơn 50 sinh viên của lớp được chia làm 7 nhóm để chuẩn bị nội dung kịch bản, tập lời thoại, chuẩn bị phục trang, phụ kiện biểu diễn. Đặc biêt, có 1 nhóm gồm 5 bạn trai “hiếm và có sức hút” nhất lớp.

 

Các nhóm trình bày


Các nhóm chỉ có thời gian 1 ngày để chuẩn bị từ khâu lên ý tưởng và hoàn thiện mọi thứ nhưng vấn đề “thời gian hạn hẹp” đã không khiến các bạn lúng túng hay thiếu sót. Minh chứng là cả 7 tiết mục đều nhận được những lời khen “ấn tượng, sáng tạo và thông minh” từ TS. Lê Văn Trung. 


Theo yêu cầu của giảng viên, một bạn trong nhóm sẽ được vào vai giáo viên đang giảng bài tiết kể chuyện cho học sinh tiểu học. Các “thầy cô” sẽ tóm tắt hoặc dẫn truyện để “các em” hình dung được nội dung, từ đó “các em” sẽ diễn lại câu chuyện theo trí tưởng tượng và sáng tạo của mình.


Chủ đề được các nhóm chọn là những câu chuyện cổ tích rất quen thuộc với các em nhỏ như: Cô bé quàng khăn đỏ; Câu chuyện Ba chị em; Tấm Cám; Romeo và Juliet; Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn; Câu chuyện của tay, chân, tai, mắt, miệng…


Các thành viên còn lại trong nhóm vào vai “các em học sinh tiểu học”. Mỗi bạn sẽ đảm nhận mỗi nhân vật khác nhau trong câu chuyện mà nhóm đã chọn. Các bạn sáng tạo trong lời thoại hoặc có thay đổi cấu trúc, kết thúc của câu chuyện, lồng ghép nhiều nội dung đạo đức khác nhau bằng chính ngôn ngữ và cách hội thoại đúng với lứa tuổi các em học sinh tiểu học.


Nhận xét phần thể hiện của các nhóm, TS. Lê Văn Trung nhấn mạnh rằng, để kích thích sự sáng tạo và tìm tòi cũng như truyền đạt thông điệp ý nghĩa cho các em học sinh thông qua các đoạn hội thoại từ vở kịch ngắn thì “các thầy cô giáo” phải nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Để từ đó lựa chọn những yếu tố phù hợp đúng với suy nghĩ của các em, không nên áp đặt những điều quá lớn lao khiến các  em học sinh khó tiếp thu.


TS. Lê Văn Trung cũng đánh giá rất cao tinh thần học tập và sự sáng tạo, nhạy bén của các bạn sinh viên trong lớp. Thầy rất ấn tượng với các kịch bản và cách diễn xuất mà các nhóm đã thể hiện. Các bạn đã nắm được cách chuyển đổi từ ngôn ngữ kể chuyện sang hội thoại, phát hiện được năng lực của từng cá nhân để phân vai hợp lý. Các bạn biết cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Chính vì thế, thầy nhấn mạnh rằng các bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại kịch bản và cách kể chuyện của ngày hôm nay để áp dụng cho chính bài giảng thực tế khi chính thức trở thành những thầy, cô thật sự.


Chính phương pháp giảng dạy “vừa học vừa chơi” đã tạo sự hào hứng và thích thú cho các bạn sinh viên lớp K915TH. Các bạn đã được tiếp cận rất nhiều kiến thức theo cách rất dễ nhớ và không bị nhàm chán. Sinh viên Lê Hoàng Oanh nhận xét “Tiết học của thầy Trung rất thú vị và vui. Ở các môn học chuyên ngành khác, chúng em cũng được thầy cô dạy theo hướng thực hành thực tế như thế này giúp bọn em đỡ bỡ ngỡ hơn khi ra trường hay đứng trước một lớp học đông học sinh. Cách giảng dạy này cũng tạo cho chúng em sự tự giác trong sáng tạo bài giảng cũng như đổi mới phương pháp để truyền đạt được nhiều kiến thức cho các em học sinh sau này. Các kinh nghiệm thầy cô truyền đạt thật sự rất quý báu với chúng em”.


Không phải tự nhiên mà “Nghề giáo” được ví là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, mà bởi nhiệm vụ của những thầy cô chính là “xây dựng con người”. Từ “nền tảng” là những đứa trẻ chỉ biết vui chơi, ăn, ngủ nhưng nhờ qua các cấp bậc được đào tạo, nhờ những kiến thức được trau dồi bởi các thầy cô giáo, “những đứa trẻ” của ngày hôm qua có thể “vươn mình” trưởng thành để có thể là “chủ nhân tương lai” của đất nước, là người đứng đầu doanh nghiệp hoặc được sống với ước mơ, nguyện vọng của mình. Trở thành một người có ý chí, nghị lực và đạo đức, là niềm tự hào của gia đình và xã hội.


Và để hoàn thành được nhiệm vụ cao cả ấy, thì chính những người sẽ đảm nhận vị trí “thầy cô tương lai” cũng phải trải qua những năm tháng được đào tạo khắt khe, chuẩn mực với đầy đủ kiến thức chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm để có thể tự tin làm “người mở đường” cho bao thế hệ học trò sau này.


Tại UD-CK,  hằng năm khoa Sư phạm và Dự bị Đại học luôn nhận được rất nhiều đơn đăng ký xét tuyển nguyện vọng. Trong đó, ngành Giáo dục Tiểu học là một trong những ngành học thu hút rất nhiều bạn trẻ. Các thầy cô trong khoa luôn đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng ứng dụng, thực tiễn giúp trang bị cho các bạn sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết và thực tế nhất.


Năm 2018, UD-CK tuyển sinh 72 chỉ tiêu ngành Giáo dục Tiểu học, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, KHÔNG xét học bạ lớp 12.


Để biết chi tiết tổ hợp môn xét tuyển, mã ngành xét tuyển, các bạn thí sinh có thể tham khảo tại website tuyển sinh UD-CK: ts.kontum.udn.vn


Mọi thắc mắc hay muốn tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của nhà trường, đừng ngại liên hệ đường dây nóng: 02606509559 - 0935575116 - 01698280492 - 0944962269 hoặc gửi mail về địa chỉ: tuyensinhudck@kontum.udn.vn