UD-CK
Ai trong chúng ta mà không nuôi cho mình những ước mơ, hoài bão. Có người muốn trở thành kiến trúc sư, có người lại thích làm bác sĩ, người muốn làm chủ doanh nghiệp…

Ai trong chúng ta mà không nuôi cho mình những ước mơ, hoài bão. Có người muốn trở thành kiến trúc sư, có người lại thích làm bác sĩ, người muốn làm chủ doanh nghiệp… Còn tôi, nếu ai hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”, tôi sẽ không ngần ngại kể về bụi phấn, bảng đen và những đứa học trò nhỏ. 


Đúng vậy, tôi muốn mình trở thành cô giáo Tiểu học, hằng ngày mang đến nhiều kiến thức, nhiều bài học hay cho các em học sinh. Cơ duyên đã giúp tôi trở thành sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, rồi bằng sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, tôi và tập thể lớp K814TH đã cùng nhau học tập, rèn luyện suốt 4 năm nhằm gói gém những “hành trang” cần thiết về chuyên môn và kỹ năng để trở thành những thầy, cô giáo thực thụ trong tương lai.


4 năm học với biết bao kỉ niệm để thương, để nhớ với bạn bè, mái trường, thầy cô. Nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất trong thời sinh viên của tôi có lẽ là chuyến thực tập năm cuối tại trường Tiểu học Âu Cơ – Thành phố Đà Nẵng, cũng là quê hương thân thuộc của mình.…

 


Nhớ những ngày đầu khi cô phụ trách thực tập của trường phổ biến kế hoạch thực tập với lớp, ai cũng vừa mừng vừa lo lắng. Mừng vì đã đến lúc mình chính thức được đứng lên bục giảng giống như một giáo viên thực sự và sẽ được dạy dỗ các em học sinh chứ không còn là những vở diễn đóng giả thầy, trò và những bài học suôn sẻ được sắp đặt trước như trên giảng đường Đại học nữa. Lo vì không biết bản thân có thể áp dụng tốt và hiệu quả những phương pháp, kĩ năng dạy học, quản lý lớp, nắm bắt tâm lý học sinh…  mà thầy cô đã truyền đạt. Nếu xảy ra các tình huống bất ngờ liệu bản thân có biết cách xử lý khôn khéo? Làm sao để học sinh yêu quý mình? Làm sao để bắt đầu bài giảng một cách thu hút.... Cứ thế, có muôn vàn câu hỏi xuất hiện trong đầu khiến những bất an càng lớn dần hơn.


Rồi ngày đi thực tập cũng tới. Sau khi kết thúc các môn học còn lại của học kì 2 năm cuối, chúng tôi chia tay nhau, rời mảnh đất Tây nguyên đầy nắng để thực hiện chuyến thực tập của mình.


Trong tiết trời se lạnh của tháng 1 ở dãi đất miền Trung, vào buổi sáng Thứ hai, ngày 22/1/2018 là ngày đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi trường mình sẽ thực tập trong hơn 2 tháng tới. Ngôi trường nhỏ nằm ven trung tâm thành phố, lọt giữa những dãy đồi xanh rì như đứa con được che chở dưới đôi bàn tay ấm áp của người mẹ hiền hòa. Nắng sớm chiếu vào cổng, cờ bay phấp phới, ngoài cổng trường các em nhỏ  vai đỏ rực khăn quàng, nô nức rời cha mẹ chạy vào lớp học. Tiếng cười, tiếng chào hòa vào trong nắng mai khiến tôi cũng ngỡ chính mình là đứa học trò nhỏ ngày đầu đến lớp, vừa vui mừng, vừa bồi hồi, đầy bỡ ngỡ. 


Bất giác có tiếng gọi của một cậu bé: “Cô ơi! Em chào cô ạ!”, lần đầu tiên được một đứa trẻ trên vai còn đeo cặp sách gọi hai tiếng “Cô ơi” nghe sao mà lạ lẫm, thân thương lại vui đến thế. Lúc ấy một suy nghĩ đã vụt qua trong đầu tôi: “Mình đã chọn đúng con đường rồi!”. Tôi đã không nhịn được mà đưa tay xoa đầu và cảm ơn cậu trò nhỏ đã mang đến cho tôi điều hạnh phúc đầu tiên khi đặt chân đến mái trường này.


Cũng trong buổi chào cơ đầu tuần ấy, cô Loan – Tổng phụ trách Đội đã giới thiệu tôi với toàn thể thầy, cô và các em học sinh toàn trường. Thầy Thiện – Hiệu trưởng nhà trường cũng gặp gỡ và trao đổi với tôi các hoạt động của nhà trường từ lúc thành lập đến nay để tôi làm quen. Cô Thủy – Phó Hiệu trưởng cũng chia sẻ nhiều với tôi về công tác dạy học ở nhà trường. Được thầy, cô và các em học sinh hân hoan chào đón đối với tôi thật sự rất phấn khởi và hạnh phúc, những bất an ngày chuẩn bị lên đường cũng giảm đi một nửa.

 


Đến buổi chiều cùng ngày, tôi chính thức gặp các em học sinh ở lớp 34 , lớp tôi sẽ phụ trách chủ nhiệm trong đợt thực tập. Buổi làm quen đầu tiên với các bạn nhỏ trong lớp đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm thật khó quên. Các em rất đáng yêu và lễ phép khi đứng dậy giới thiệu tên, nơi ở và hào hứng nói về những giấc mơ “vĩ đại” mà chúng tin tưởng mình sẽ làm được trong tương lai. Sự vô tư, thoải mái của đám trẻ cũng khiến tôi thấy mình như nhỏ bé hơn, như trở thành bạn của các em chứ không còn đứng ở vị trí của người dạy học.

 


Trong hai tuần kiến tập đầu tiên, tôi được tham gia dự giờ dạy của cô chủ nhiệm lớp và các thầy cô giáo khác trong trường. Qua những buổi ngồi quan sát ấy, tôi học hỏi được rất nhiều điều quan trọng. Tôi đã nắm rõ hơn những hoạt động cơ bản của công tác dạy học, cách trình bày nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, quy trình dạy của một tiết học và cách đánh giá, xếp loại học sinh. Học hỏi được những yêu cầu về tác phong, ngôn ngữ, hành vi ứng xử chuẩn mực của một người giáo viên chủ nhiệm. Cách xử lí các tình huống sư phạm một cách khéo léo, hiệu quả, các biện pháp, kế hoạch giúp học sinh học tập tốt, chăm ngoan hơn, đặc biệt là các học sinh gặp khó khăn trong học tập.


Sau 2 tuần kiến tập, dự giờ tôi bắt đầu bước sang giai đoạn thực tập sư phạm 2. Ngoài những buổi dự giờ các thầy cô, tôi cùng dần hoàn thiện các giáo án tập giảng, đồ dùng dạy học, vừa chuẩn bị bài giảng với những tiết học đã đăng ký.  

 


Lần đầu tiên tôi thực sự được đứng lớp, tự mình là chủ bài giảng là tiết giảng chuyên đề môn Khoa học lớp 5. Dù đã chuẩn bị tâm lý và nội dung bài giảng rất kỹ lưỡng, chu đáo nhưng khi thực sự đứng trước lớp và có sự tham gia dự giờ của các thầy cô tôi vẫn thấy run. May mắn, nhờ kinh nghiệm từ những lần “đứng lớp” tập giảng trong quá trình học ở Đại học nên tôi đã lấy lại được sự tự tin và hoàn thành bài giảng mà không gặp nhiều khó khăn. Sau buổi giảng đầu tiên ấy, nhận được những lời nhận xét cũng như đánh giá về tác phong tự tin, dạn dĩ, ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, cách tổ chức, sử dụng các phương pháp dạy học hiệu quả, thu hút sự chú ý, tập trung học tập sôi nổi của học sinh… từ các thầy cô đã giúp tôi tự tin và kiên định hơn với lựa chọn của bản thân.

 


Cũng nhờ sự “thành công” của buổi giảng đầu tiên, những tiết đứng lớp sau đó của tôi luôn diễn ra suôn sẻ, được các em học sinh yêu thích và rất hào hứng với các kiến thức tôi truyền đạt. Tôi cũng có thêm nhiều kinh nghiệm xử lí tình huống với các thắc mắc hay vấn đề của các em học sinh, hiểu được tâm lý các em để có cách thiết kế bài giảng hợp lý, giúp các em tiếp thu tốt và yêu thích các bài học. Đặc biệt hơn tất cả, chính là tình cảm gắn bó cùng những đứa học trò nhỏ lớp chủ nhiệm 34 trong suốt hai tháng, qua những buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ mỗi ngày, qua những giờ múa hát tập thể ở sân trường và qua những hoạt động, trò chơi trong những ngày hội do Đoàn, Đội tổ chức, cô và trò chúng tôi đã có những giây phút bên nhau thật đáng nhớ.

 


Không chỉ là tình cảm thắm thiết với các em ở lớp chủ nhiệm mà còn ở những lớp khác mà tôi được giảng dạy. Mỗi khi gặp tôi ở đâu, các em đều vòng tay: “Em chào cô Hoàng ạ!” hay đến giờ ra chơi, cửa thư viện lại đông kín những gương mặt thân quen đến tìm tôi để nghe kể chuyện. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với các em có lẽ là ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, buổi chiều mưa hôm ấy, tôi không có tiết dạy. Nhưng đến giờ ra chơi, hai cậu học trò Tính Khoa và Tuấn Kiệt lớp 42 vẫn đội mưa chạy ra cổng mua tặng tôi cây hoa hồng đỏ, người bị dính nước mưa nhưng môi vẫn cười: “Em chúc cô ngày 8 tháng 3 vui vẻ, trẻ đẹp ạ!”, rồi cả những bức thư đầy tình cảm của cô học trò Bảo Hân lớp 42, cả những cây kẹo, cái bánh mà tập thể lớp 42 dành tặng cho tôi. Tất cả đều là những mảnh ghép đặc biệt khiến kỳ thực tập thêm ý nghĩa, khó quên.


Thấm thoát, kỳ thực tập đã vội vã đi qua khi mà tôi với các em đã thật sự quen thuộc nên giờ khắc chia tay khiến cả tôi và các em đều không nỡ nói lời tạm biệt. Buổi chiều hôm ấy trời đột ngột chuyển mưa giông…Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ vào lớp, bọn nhỏ nhanh chóng trật tự vào chỗ ngồi, ngước mắt chăm chú nhìn tôi. Bọn trẻ con thật sự tinh ý lắm! Không hiểu vì sao bọn chúng lại biết trước ngày này tôi sẽ đi từ cả tuần nay, nên giờ ra chơi cả lớp túm tụm bên chiếc bảng đen, đứa vẽ hoa, đứa vẽ trái tim, đứa nguệch ngoạc dòng chữ: “Con nhớ cô Hoàng lắm..!” Thế rồi khi cô chủ nhiệm mở vài lời đầu tiên: “Chúng ta đã làm quen với cô Hoàng được hai tháng rồi đúng không nào? Hôm nay, cô Hoàng đã kết thúc kì thực tập của cô và sẽ chia tay với lớp mình…” Chỉ hai câu nói này, mà cậu học trò Quang Bảo đã khóc nức nở, rồi vội vàng úp mặt xuống bàn che đi ánh mắt ướt đẫm của mình. Rồi đến Đăng Khôi, Trung Hiếu, Quỳnh Nhi, Anh Thơ, Thanh Hằng… Đứa nào đứa nấy nước mắt ngắn dài, mặt đỏ hoe vì khóc. 

 


Thật sự chỉ có ai gắn bó với trẻ con một thời gian dài, đến lúc chia tay chúng mới hiểu cảm giác đau lòng nhiều đến bao nhiêu. Rồi những bài thơ, những lời chúc, những món quà nhỏ là những cây kẹo, con gấu bông, vòng tay, móc khóa, quyển vở… mà chúng đã dành tặng tôi, thật sự khiến tôi không thể không rơi lệ. Đó có thể là những món quà nhỏ đối với người khác, nhưng đối với tôi không có vàng bạc, châu báu nào có thể sánh  được. Vì tôi hiểu để mua được chúng, là bao ngày bọn trẻ không ăn quà vặt, không mua cho mình những món đồ chơi, không đi đến công viên để chơi những trò mà chúng yêu thích. Tôi hứa với chúng sẽ giữ gìn những món quà này thật kĩ, và dặn dò tất cả phải học tập thật tốt. Trống đánh tan trường, mưa vẫn rả rích bên cửa sổ, cô trò chúng tôi đã chia tay nhau như thế…


Sau buổi chia tay với lớp 34, tôi đến phòng Hội đồng để nói lời cảm ơn các thầy, các cô trong trường Tiểu học Âu Cơ vì đã luôn dẫn dắt, quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tôi rất nhiều trong kì thực tập sư phạm này. Có những người thầy không dạy dỗ tôi trên bục giảng nhưng họ lại chính là những người dìu dắt tôi đến sự trưởng thành, truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu mà tôi không thể học ở trong sách vở, giáo trình…


Kỳ thực tập kết thúc, chính bản thân tôi cũng đã kịp trang bị cho mình những “hành trang” tốt nhất để bước vào đời. Cảm ơn UD-CK đã giúp tôi nuôi dưỡng giấc mơ thành sự thật, cảm ơn các em học sinh đã cho tôi những trải nghiệm đầu tiên được làm “cô giáo”… Tôi sẽ cố gắng hoàn thành vai trò của mình để không phụ công gia đình, nhà trường, các em đã kỳ vọng vào tôi…


                                                               Nguyễn Thị Khánh Hoàng, Lớp: K814TH.