UD-CK
Sáng ngày 23/4 tại cơ sở 2 của UD-CK, “nhà hàng” Lào Food - dự án khởi nghiệp Startup Runway 2018 của nhóm sinh viên Lào đã chính thức được khai trương.

Mô hình cung cấp và phân phối các sản phẩm, món ăn đặc trưng của Lào tại Kon Tum (Laos food) do một nhóm bạn trẻ là Lưu học sinh Lào đang theo học tại Khoa Kinh tế, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum khởi xướng nhằm tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup Runway 2018 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đăng cai tổ chức, với sự tài trợ của chính phủ Ai-len.


Vượt qua các rào cản


Dự án đã vượt qua các đội tham dự tại UD-CK và chính thức trở thành 1 trong 3 đội đại diện cho UD-CK sẽ tham dự vòng chung kết của cuộc thi Startup Runway 2018 được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6 sắp tới.


Để có được thành công bước đầu này, ít ai biết rằng khi mới bắt đầu dự án các em đã từng có tâm lý muốn bỏ cuộc. Các trở ngại về ngôn ngữ, chưa tự tin trong thuyết trình, phản biện, e ngại trước các đội khác… khiến nhiều bạn lo lắng và có tâm lý chán nản. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và khích lệ tinh thần từ cán bộ quản lý Lưu học sinh, từ thầy cô trong Khoa Kinh tế, các thầy cô ở phòng Khoa học và Hợp tác kinh tế và đặc biệt là sự khuyến khích lớn lao đến từ chính Giám đốc Phân hiệu – một người luôn đề cao tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên - các em đã mạnh dạn thể hiện bản thân mình. 


Các thành viên đã viết kế hoạch rõ ràng, nêu rõ mục tiêu và cũng như những “khát vọng” đưa ẩm thực Lào hòa nhập vào vùng Tây Nguyên. Tự tin thuyết trình trước các ban giám khảo, biết cách phản biện lại các thắc mắc từ ban tổ chức. Chính sự nỗ lực và cố gắng vượt qua mọi rào cản cùng tinh thần khởi nghiệp cao của các em đã đưa đội lần lượt vượt qua các vòng thi và đi đến chung kết.


Và không chỉ để dự án “nằm trên giấy” và chờ các nhà tài trợ, các bạn trong nhóm đã chủ động tự bỏ vốn và bắt đầu khởi động dự án của mình. Mô hình của các bạn trước hết là để phục vụ nhu cầu của hơn 150 lưu học học Lào đang theo học tại UD-CK, giúp các bạn thưởng thức những món ăn “quê nhà” nơi “đất khách”. Đồng thời, nhóm cũng muốn giới thiệu rộng rãi đến các thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam văn hóa ẩm thực Lào. Nếu dự án phát triển tốt, các bạn có thể mở rộng mô hình, không chỉ phục vụ trong nhà trường mà còn phục vụ các khách hàng bên ngoài. Chính thức đưa ẩm thực Lào, do chính người Lào chế biến, đến với thực khách Tây Nguyên.


Đây cũng chính là bước đầu để các bạn thử nghiệm cho lần đầu khởi nghiệp, đúc rút các kinh nghiệm, cách giải quyết các vấn đề liên quan để dự án hoạt động ổn định trong thời gian tới. Điều này cũng chính là tiền đề quan trọng để các bạn có thể thuyết phục được ban giám khảo tin tưởng và lựa chọn dự án của mình trong đêm chung kết của Startup Runway.


Xem “dự án” là nhà, các thành viên là “anh em”


Ban đầu nhóm dự án có 5 người tham gia nhưng vì một số bạn bận việc học nên đã xin ra khỏi nhóm. Các thành viên đã tuyển thêm các bạn mới, có năng lực, chịu khó, chăm chỉ để bắt tay thực hiện dự án. Hiện tại, nhóm có 8 thành viên. 


Thepsombud Linda, một thành viên trong nhóm chia sẻ để kịp “mở cửa” vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, các bạn phải tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu, đi chợ từ đêm hôm trước. Sáng hôm sau 4h30-5h mọi người đã thức dậy, phân công người nấu xôi, người nấu cháo, người rửa rau, người ướp thịt, nướng thịt, người dọn bàn… Mỗi người mỗi việc đều tự giác thực hiện nên giữa các thành viên luôn có sự chia sẻ, đồng điệu lẫn nhau, hầu như không có tranh cãi, mâu thuẫn hay tị nạnh nhau. Lần đầu khởi nghiệp lại là nơi mình học tập xa nhà nên các bạn động viên nhau phải coi “dự án”, coi nơi mình bắt đầu khởi nghiệp chính là “nhà chung” của các thành viên. Vì thế, mọi người phải xem nhau là anh em, người thân để cùng động viên, hỗ trợ nhau để vừa học tập tốt lại đảm bảo cho công việc luôn đều đặn, suôn sẻ.

 

                         Các bạn trong nhóm luôn biết cách phân chia công việc để làm, phục vụ "khách hàng"  được chu đáo


Vào những ngày trong tuần, bạn nào trong nhóm có tiết học thì vẫn lên lớp bình thường, các thành viên khác thay nhau phục vụ khách từ 6h sáng đến chiều tối. Linda chia sẻ rằng để cân bằng giữa việc học và vấn đề khởi nghiệp các bạn trong nhóm đã quán triệt tư tưởng không để ảnh hưởng đến việc học. Chính vì thế các bạn lên lớp phải chăm chú nghe giảng hơn, hoàn thành các bài tập tại lớp hoặc tranh thủ lúc buổi tối. Thời gian tới chuẩn bị thi học kỳ, các bạn sẽ tập trung bán món ăn vào cuối tuần, ngày nghỉ để có thời gian ôn tập.


Ẩm thực Lào đến Tây Nguyên


Để thực hiện các món ăn, ngoài việc tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam, các bạn cũng đã mang nhiều nguyên liệu “đặc trưng” từ bên Lào sang như nếp, mắm cá, mắm nêm… và các dụng cụ dùng để nướng, hấp trứng, nấu xôi…
Thực đơn của Lào Food là những món có hình thức và tên gọi có vẻ rất Việt Nam như Khai Ping (Trứng nướng), Tam Ma Nung (Nộm đu đủ), Ping En (Thịt nướng), Khao Phoun (Bún Lào), Khao Nieu (Xôi), Tam Mi (Nộm mì), Tom Mi Shal Khai (Mì tôm trứng), Ping Pa (Cá nướng)… Tuy nhiên, cách chế biến và cách nêm nếm các loại gia vị đặc trưng của Lào đã tạo nên những hương vị riêng biệt cho từng món ăn và mang thương hiệu của Lào Food. 

 

                                        Các món ăn nhìn rất Việt Nam nhưng lại mang đậm hương vị của ẩm thực Lào


Các loại nộm đu đủ, dưa leo, cà rốt… được trộn với các loại mắm cá, mắm nêm của Lào với vị thơm nồng đặc trung, được trộn chung với tỏi và rất nhiều ớt khiến nhiều “thực khách” mới nhìn qua công đoạn chế biến đã muốn “cay xé lưỡi”. Đây cũng chính là một nét văn hóa của phần đông người Lào khi các món ăn đều có rất nhiều ớt. Vị cay gây kích kích, giúp món ăn ngon, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các món ăn này còn là sự pha trộn giữa cay và ngọt, vị ngọt của đường át đi nhiều vị cay của ớt. Khác với Việt Nam khi các món gỏi được ăn kèm với bánh tráng hay phồng tôm thì người Lào lại ăn chung với rau muống, bắp cải sống, rau thơm… Chính sự kết hợp độc đáo này đã giúp món ăn trở nên ngon miệng hơn. Tuy nhiên, vẫn có một vài “vị khách” là sinh viên Việt Nam không thể ăn cay nhiều có thể yêu cầu các “chủ quán” bỏ ít ớt để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của món ăn.

 

                                   Nhiều món ăn của Lào Food chỉ mới nhìn và ngửi thôi đã "chảy nước miếng"


Trong thực đơn của Lào Food không thể thiếu một món ăn truyền thống của Lào: Món Lạp. Lạp còn được gọi là “may mắm”  nên đây là món ăn có ý nghĩa rất lớn đối với người Lào. Lạp được làm bằng thịt băm, tim gan ướp cùng chanh ớt, thính gạo và rau thơm. Vì món ăn khá cầu kỳ mà các bạn trong nhóm còn là sinh viên, vẫn phải lên lớp học khi có giờ nên món Lạp được dành riêng phục vụ vào ngày Thứ 7 và Chủ nhật.


Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn khởi nghiệp, phía nhà trường đã hỗ trợ cho các bạn không gian và bàn ghế để phục vụ. Các thầy cô trong nhà trường cũng đến ủng hộ các món ăn và khuyến khích tinh thần của các bạn.

 


ThS. Đinh Thị Thanh, cán bộ phụ trách Lưu học sinh Lào tâm sự “Là người đi cùng với các em từ ngày đầu tiên dự án bắt đầu manh nha lên ý tưởng cho đến hôm nay các em trực tiếp đứng bán hàng, tự kiếm ra những số tiền đầu tiên bằng chính ý chí, nỗ lực của mình, tôi thấy rất vui và tự hào về các em. Dù còn phải bận việc học nhưng các em luôn biết động viên nhau và cùng cố gắng. Tôi tin rằng dự án sẽ thành công và các em sẽ học hỏi được nhiều thứ từ lần khởi nghiệp này để tự tin vào đời”.


Sau ngày khai trường, nhẩm tính số liền lời dư ra sau khi trừ các chi phí, dù số tiền ấy không nhiều nhưng nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt của các thành viên cũng nhận thấy được rằng các em đang rất vui và tự tin vào quyết định của mình. “Dù bán một chai nước lời có 1.000 thôi nhưng các em đều rất vui và rất thích, điều này đã khích lệ các em rất nhiều” Ths. Đinh Thị Thanh chia sẻ.