UD-CK
Vừa trở về từ cuộc thi sinh viên giỏi Đại học Đà Nẵng và giành giải khuyến khích môn Chủ nghĩa Mác – Lênin, một môn học thuộc dạng “khó nhằn” với nhiều sinh viên, Thục Uyên đã chia sẻ “Nếu hai năm tới được dự thi sinh viên giỏi lần nữa, em vẫn muốn tiếp tục thử sức với chủ nghĩa Mác –Lê Nin”

Vừa trở về từ cuộc thi sinh viên giỏi Đại học Đà Nẵng và giành giải khuyến khích môn Chủ nghĩa Mác – Lênin, một môn học thuộc dạng “khó nhằn” với nhiều sinh viên, Thục Uyên đã chia sẻ “Nếu hai năm tới được dự thi sinh viên giỏi lần nữa, em vẫn muốn tiếp tục thử sức với chủ nghĩa Mác –Lê Nin”

Triết học Mác – Lênin, ngay từ cái tên đã khiến người học muốn “né” vì sự trừu tượng về kiến thức nên tương đối khó hiểu và rất khô khan. Nếu không chăm học và hiểu được các nguyên lý của môn học thì việc “thi lại” hoặc thậm chí “học lại” là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế, nhiều thế hệ sinh viên dù đã ra trường khi nhắc lại chuyện đã “qua môn” được Triết học Mác – Lênin là cả một “kỳ tích”. Ấy thế mà, với cô sinh viên năm nhất Nguyễn Ngọc Thục Uyên, lớp K11TH, Ngành Giáo dục Tiểu học lại tâm sự rằng “Em thấy đây là môn học rất thú vị”. Và sự “thú vị” chẳng phải nói chơi khi Thục Uyên cho biết điểm tổng kết môn Triết học Mác – Lênin học kỳ 1 của em là 9,6. Một điểm số mà khiến người khác phải “mắt tròn mắt dẹt” ngưỡng mộ và khâm phục.

 


Luôn liên hệ các kiến thức với thực tế


Bí quyết nào đã giúp cô sinh viên nhỏ nhắn, mới lần đầu tiếp xúc với các kiến thức của chủ nghĩa Mác – Lênin đã “ghiền” đến thế?


“Thực ra, với những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày như mình muốn đạt kết quả tốt trong một cuộc thi thì cần phải nỗ lực và chăm chỉ hay sự suy nghĩ, sự đánh giá của con người theo từng thời điểm sẽ khác nhau… là những quy luật rất bình thường của cuộc sống. Trước đây, em hiểu được những quy luật, tính chất này nhưng lại không biết gọi tên là gì. Chỉ đến khi được tiếp xúc với các kiến thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, biết được quy luật của sự phát triển, quy luật về lượng và chất… thì em đã có thể gọi tên được nó. Từ đó, em thường liên hệ các kiến thức của môn học với cuộc sống thực tế, em đã tự mình giải đáp được cho rất nhiều vấn đề mà trước đây mình thắc mắc. Càng ngày em càng bị thu hút bởi môn học này, tìm hiểu về nó nhiều hơn và cảm thấy rất thích thú”, Uyên bộc bạch.

 


Và người “tiếp lửa” giúp Uyên tự tin tham gia cuộc thi sinh viên giỏi ĐHĐN khi mới chỉ là sinh viên năm nhất chính là giảng viên phụ trách môn Triết học Mác – Lênin, Ths. Nguyễn Thị Thanh Hiền, giảng viên Khoa Sư Phạm và Dự bị Đại học. Nhận ra những “tố chất” của cô sinh viên nhỏ bé, chính cô Hiền đã trực tiếp liên hệ với em và thông báo về cuộc thi. Cô cũng chính là người đã cung cấp đề cương và cùng Uyên ôn thi hơn 1 tháng, cô cũng ra các để thi thử để Uyên thử sức trước. “Em cảm nhận được cô rất tâm huyết với sinh viên. Cô lúc nào cũng động viên và cổ vũ tinh thần cho em rất nhiều. Điều này đã tạo động lực cho em rất lớn. Hôm em được giải, cô cũng đã thông báo trước lớp và chia vui cùng em, em thật sự rất xúc động”, Thục Uyên tâm sự. 

 


Thời điểm diễn ra cuộc thi Sinh viên giỏi ĐHĐN là khoảng đầu tháng 4, lúc ấy Uyên vừa phải ôn thi vừa phải hoàn thành các bài trên lớp nên không có nhiều thời gian để ôn luyện đầy đủ các kiến thức. Mặt khác, vì mới là sinh viên năm nhất, vẫn chưa hoàn thành tín chỉ về môn Triết học Mác – Lênin nên có nhiều kiến thức mới em chưa được tiếp cận. Thế nên, khi nhận đề thi có những phần không có trong đề cương và chưa học tới đã khiến Uyên hơi lúng túng. Tuy nhiên, em đã vận dụng hết sự hiểu biết cùng sự lý giải của bản thân để hoàn thành tất cả các câu hỏi, không bỏ qua bất cứ câu nào. Kết quả, dù chỉ đoạt giải Khuyến khích nhưng em cũng khá hài lòng vì cũng đã vượt qua rất nhiều thí sinh đến từ các trường thành viên của ĐHĐN để được đứng trên bục nhận giải.


Cũng chính nhờ giải thưởng lần này mà Uyên đặt mục tiêu sẽ muốn tiếp tục chinh phục lại một lần nữa “đỉnh núi” mang tên Chủ nghĩa Mac – Lênin “Hai năm nữa thì khi đó em đã học xong môn học này nhưng em hy vọng mình sẽ tìm kiếm thêm được nhiều kiến thức để tham gia thi và đạt kết quả cao hơn”, Thục Uyên bộc bạch. Bên cạnh đó, Uyên cũng muốn thử sức mình với nhiều môn thi khác bởi vì “Sắp tới em sẽ được học thêm nhiều môn mới, biết đâu các môn học ấy lại có sự thú vị riêng, em cũng thật sự thích thì em nhất định cũng sẽ theo đuổi”. Có thể nói “sức học” và “muốn học” ở cô sinh viên này lúc nào cũng tràn đầy và sôi sục.


“Mê mẩn” môn Văn và giấc mơ trở thành cô giáo


“Xuất thân” là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP. Kon Tum, cô nữ sinh Thục Uyên năm nào cũng khiến bạn bè nể phục vì sự nổi trội của mình trong học tập. Môn học yêu thích nhất của Uyên là môn Văn “Em thích học Văn và đọc bất cứ thứ gì liên quan đến Văn học. Thậm chí em đi thi THPT chỉ ôn các môn còn lại còn môn Văn chẳng phải ôn tí nào mà điểm vẫn cao nhất”, Uyên tự hào khoe. Có lẽ yêu thích môn Văn nên Uyên thích những điều thiên về xã hội. Ngay cách nói chuyện, chia sẻ của Uyên cũng thể hiện là một người khiếm tốn, cẩn thận và chỉn chu. Cũng nhờ tính cách ấy, dù học trường chuyên, có thành tích học tập tốt nhưng Uyên không muốn thử sức ở các ngành học đòi hỏi sự cạnh tranh nhiều. Cô gái ấy nuôi giấc mơ được trở thành một cô giáo, hằng ngày đến lớp giảng bài cho học sinh, góp phần giúp các em nên người có ích cho xã hội.

 


Nhà có 5 chị em gái. Chị lớn lấy chồng, Uyên là thứ 2, sau còn 3 em đang đi học. Bố Uyên làm bảo vệ, mẹ Uyên ở nhà đổ bánh tránh bỏ mối cho các đại lý, chăn nuôi heo gà. Nhà đông con, thu nhập không cao nên kinh tế cũng không dư dả nhiều. Hiểu được khó khăn của ba mẹ, đồng thời muốn được gần gia đình để còn phụ mẹ chăm sóc em, đỡ đần việc nhà nên Uyên đã quyết định học Đại học ngay tại Kon Tum. Với sự cố gắng của bản thân, Uyên đã trúng tuyển vào UD-CK, ngành Giáo dục tiểu học với điểm rất cao: 24.25 điểm. 


Sau gần một năm học tại đây, Uyên nhận xét rằng mình chẳng có thiệt thòi gì so với các bạn học ở các trường tại thành phố lớn. Bởi môi trường học tập tại UD-CK rất tốt, cơ sở vật chất cũng hiện đại. Bên cạnh đó, điều khiến Uyên cảm thấy hứng thú mỗi khi đến trường là ngoài được học với thầy cô trong khoa, em còn được học với rất nhiều PGS, TS đến từ trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng). Họ đều là những người rất giàu kinh nghiệm, tâm huyết với sinh viên và cách giảng dạy cũng rất cuốn hút nên Uyên rất thích.  Vì thế, không chỉ riêng môn Chủ nghĩa Mác  -  Lênin, Uyên còn rất thích học các môn khác như Pháp luật đại cương, cơ sở văn hóa Việt Nam… 


Nhờ có sự đam mê và thích thú trong học tập nên điểm tổng kết học kỳ của Uyên cũng rất cao. Kết thúc học kỳ 1 năm nhất, Uyên được xếp loại Giỏi với thành tích 8.89. Uyên bảo, càng lên cao yêu cầu kiến thức càng nhiều, càng rộng nên em không thể chủ quan được, phải luôn cố gắng, nỗ lực để học tốt.


Uyên cũng chia sẻ rằng, hiện tại em đang kết hợp với 2 bạn Lưu học sinh Lào thực hiện đề án Nghiên cứu khoa học cấp Phân hiệu, đề tài “Giải pháp nâng cao kết quả học tập cho Lưu học sinh Lào tại địa bàn tỉnh Kon Tum”. Nhóm em đã hoàn thành việc khảo sát và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. Dự kiến vào ngày 15/5 tới đây em và các bạn sẽ bảo vệ đề án trước các thành viên hội đồng của Nhà trường.

 


Uyên cũng không quên chia sẻ thêm rằng ngoài việc học tập và tìm tòi các tài liệu thì em rất thích tham gia các hoạt động phong trào đoàn hội của Nhà trường như các chương trình xung kích, tình nguyện. Tuy nhiên, vì mới vào năm nhất, chưa quen môi trường mới, lại phải tập trung học và nghiên cứu nên em vẫn chưa tham gia được nhiều. Uyên cho biết sang năm học mới em sẽ sắp xếp lại quỹ thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đây cũng chính là cơ hội để em tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống và năng động hơn. “Là sinh viên không có nghĩa là chỉ biết mỗi việc học được”, Thục Uyên tâm sự.


Hy vọng rằng, bằng sự nỗ lực, chăm chỉ của bản thân, Uyên sẽ gặt hái được nhiều thêm nữa những thành tích đáng tự hào cho bản thân. Đem đến niềm vui không chỉ cho bản thân, gia đình em mà còn với cả những thầy cô đang đồng hành cùng em trên con đường chinh phục giấc mơ và là niềm tự hào chung của UD-CK.