UD-CK
Không ngại “rải” đơn xin việc đi rất nhiều công ty trên khắp cả nước hoặc tìm kiếm cơ hội ngay tại nơi mình mong muốn làm việc, nộp đơn thẳng vào công ty mình muốn cống hiến dù tỉ lệ “bị loại” rất cao.

Không vì bản thân mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chưa va chạm nhiều với thực tiễn mà các bạn sinh viên để cơ hội “rơi” vào tay người khác. 

 


Chính vì dám “liều” và dám tự tin vào năng lực của mình cùng với việc bộc lộ những kỹ năng quan trọng giúp các nhà tuyển dụng ấn tượng ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, các UD-CKer đã có được vị trí việc làm mong muốn ngay khi mới “chân ướt chân ráo” ra trường. Thậm chí, ngay khi trên tay còn chưa được cầm tấm bằng tốt nghiệp chính thức.


“Cứ thấy công ty nào đăng tuyển nhân sự là gửi hết, bất kể lớn nhỏ”


Đó là tâm sự của chàng cựu sinh viên Đậu An Lộc, Lớp K713GT, Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình giao thông. Lộc vừa hoàn thành chương trình học 4,5 năm tại UD-CK và được xét công nhận tốt nghiệp vào cuối năm 2017, đến cuối năm 2018 Lộc mới chính thức nhận bằng tốt nghiệp.

 


Ấy vậy mà, vừa mới rời nhà trường Lộc đã khiến bao bạn bè ngưỡng mộ và thầy cô trong trường tự hào khi đã có việc làm chính thức tại Công ty cổ phần Licogi 16. Một trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và đầu tư. 

 


Lộc hiện đang là Kỹ sư hiện trường cho dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Công ty cổ phần Licogi 16 là một trong những nhà thầu lớn nhất, thực hiện các gói thầu thi công nền đường và thảm nhựa mặt đường. Theo quy hoạch, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), kết nối với tuyến cao tốc quốc tế Hữu Nghị - Nam Ninh (Trung Quốc) của hành lang kinh tế giao thương Việt Nam - Trung Quốc. Tuyến cao tốc này hình thành, góp phần quan trọng giảm ách tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong khu vực.

 


Được góp sức trẻ của mình trong những dự án trọng điểm của quốc gia, được đón tiếp Thủ tướng chính phủ đến thăm và làm việc, Lộc rất tự hào và phấn khởi. Tuy nhiên, để có được vị trí như ngày hôm nay, Lộc cũng từng có khoảng thời gian xin việc rất gian nan. 


Để không “bỏ sót” bất cứ cơ hội việc làm nào có thể “gọi tên” mình, ngay từ lúc được công nhận tốt nghiệp, Lộc đã bắt đầu hành trình “rải” đơn xin việc khắp nơi. Không ngại vì mới ra trường ít kinh nghiệm nên chỉ dám chọn các công ty nhỏ, việc ít, đòi hỏi kinh nghiệm không nhiều, Lộc mạnh dạn gửi hồ sơ đến các công ty lớn, hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề mình theo học. “Lúc bắt đầu làm hồ sơ em cũng đã gửi đi rất nhiều công ty trên khắp cả nước. Cứ thấy công ty nào đăng tuyển nhân sự là em gửi hết bất kể lớn nhỏ”, Lộc tâm sự. 

 


Một vài công ty đã gọi Lộc đến phỏng vấn nhưng sau đó đã từ chối vì còn ít kinh nghiệm nhưng không vì thế mà làm Lộc thấy nản chí. Trong số hồ sơ gửi đi xin việc, có một bộ gửi đến Công ty cổ phần Licogi 16. Lộc chia sẻ, đây là một công ty lớn, dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng tầm cỡ quốc gia nên lúc nộp đơn đi, Lộc cũng không hi vọng sẽ được gọi điện đi phỏng vấn. Lộc nghĩ, với dự án này người họ cần phải có ít nhất vài năm kinh nghiệm.


Thế nên, khi nhận được cuộc gọi thông báo phải ra tận… Hà Nội phỏng vấn, Lộc vẫn chưa thể tin. Chỉ đến ngày khăn gói từ Gia Lai để đi Hà Nội, đến trực tiếp văn phòng công ty gặp cán bộ nhân sự để thực hiện phỏng vấn, Lộc mới tin tất cả không phải là giấc mơ.


Lộc kể, lúc mới được thông báo đi phỏng vấn vì chưa tin tưởng lắm nên chưa thấy run, leo lên xe với tâm thế “coi như đi chơi một chuyến rồi về” nên cũng có một phần tự tin. “Ấy vậy mà đến ngày hẹn lên phỏng vấn em run như cầy sấy. Trước đó, bao nhiêu là câu hỏi hiện ra trong đầu, em phải lật tiêu chuẩn ngành ra đọc lại, rồi đi hỏi các anh chị kinh nghiệm phỏng vấn. Bản thân em là một người khá là tự tin khi giao tiếp nhưng không biết hôm ấy sao run quá, có lẽ lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Rồi đến lúc vào phỏng vấn thì mọi việc lại không diễn ra như “kịch bản” em đã nghĩ gì cả. Đầu tiên là chào hỏi, tên tuổi, học gì ở đâu… tiếp là một vài câu hỏi chuyên môn. Em đều trả lời suôn sẻ. Sau đó, người phỏng vấn gợi chuyện và cả hai nói chuyện vui vẻ với rất nhiểu chủ đề, thấm chí có rất nhiều thứ không liên quan gì đến nghề nghiệp. Một lúc thì họ hỏi em muốn vào vị trí nào? Lúc đó, em đã trả lời thẳng thắn rằng “Dù chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng em muốn được vào vị trí trực tiếp tham gia thi công công trình”. Nhìn thấy sự bất ngờ từ phía nhà tuyển dụng và khi nghe họ nói sẽ liên lạc lại sau em nghĩ mình “out” rồi. Vì đối với một dự án lớn mà để một SV mới ra trường vào làm trong công tác thi công thì quả là một việc khá khó khăn”, Lộc chia sẻ.


2 ngày sau đó, khi Lộc đang nghĩ nên tiếp tục ở lại Hà Nội ngao du một chuyến hay trở về tìm kiếm cơ hội khác thì nhận được câu trả lời từ phía nhà tuyển dụng: Lộc trúng tuyển vào vị trí Kỹ sư hiện trường cho dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. “Em nghĩ chắc là họ ấn tượng với phần giao tiếp của mình, bởi vì đối với giám sát công trình việc giao tiếp tốt được với thợ, kỹ sư tại hiện trường sẽ giúp công trình tiến hành thuận lợi hơn và có lẽ lý do lớn nhất là họ cũng đang muốn tạo cơ hội cho những cá nhân mới ra trường được phát triển”, Lộc tâm sự về cơ hội mình đã nhận được.


Bắt đầu “giấc mơ” tại nơi mình muốn làm việc


Đó là câu chuyện của cậu sinh viên Nguyễn Tuấn Vũ, Lớp K713KX, Ngành Kinh tế Xây dựng, cũng vừa được xét công nhận tốt nghiệp vào cuối năm 2017 và chưa nhận bằng tốt nghiệp chính thức. 

 


Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nên sau khi học xong Vũ mong muốn được trở về làm việc ngay trên quê hương mình. Chính vì thế, ngay khi vừa “chân ướt chân ráo” ra trường, Vũ đã lập tức chuẩn bị hồ sơ xin việc đồng thời tìm kiếm những công ty trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và có nhu cầu tuyển nhân viên mới. Cũng giống như Lộc, Vũ không muốn bỏ qua bất cứ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất. Dù chỉ được gọi để phỏng vấn thôi cũng giúp Vũ có thêm kinh nghiệm để những lần sau nắm bắt được tâm lý và mong muốn của nhà tuyển dụng.

 


Bằng sự tự tin ấy cùng với năng lực chuyên môn của mình nên sau một cuộc phỏng vấn, Vũ đã thuyết phục được công ty TNHH Quốc Thắng Cao Nguyên, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công trình giao thông ở Gia Lai nhận vào thử việc. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Vũ đã trở thành nhân viên chính thức trong công ty tại vị trí nhân viên phòng kỹ thuật - mảng lập hồ sơ.


Bí quyết xin việc thành công: Nắm chắc kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm


Là một người khá ít nói nên Nguyễn Tuấn Vũ không biết chia sẻ như thế nào về việc làm mình đã có được ngay sau khi vừa ra trường. Tuy nhiên, Vũ cũng rất nhiệt tình khi đưa ra một vài kinh nghiệm để giúp các thế hệ sinh viên đàn em dễ dàng nắm bắt cơ hội việc làm của mình khi ra trường “Để xin được việc làm như ý thì ngoài chuyên môn nên trang bị cho mình những kỹ năng mềm như giao tiếp, tin học văn phòng và các phần mềm hỗ trợ trong chuyên ngành, đồng thời nên cố gắng tiếp thu và nắm bắt các kiến thức được học đồng thời liên hệ vào thực tế để tránh bỡ ngỡ trong quá trình làm việc. Đặc biệt, không nhất thiệt phải nhớ toàn bộ kiến thức đã học nhưng phải biết tìm lại kiến thức mình đã học để đưa vào công việc khi gặp phải. Khi làm việc thì không ngại khó, không ngại khổ làm tất cả những gì mà công ty giao, không biết chỗ nào thì phải hỏi ngay những người đi trước để giải quyết vấn đề, tránh tình trạng giấu dốt. Và một điều quan trọng là khi đi xin việc không nhất thiết phải lựa chọn những công ty lớn khi chưa có kinh nghiệm, nên bắt đầu từ những công ty nhỏ để tìm kiếm kinh nghiệm”.

 


Đậu An Lộc cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân để có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng “Ngay khi còn ngồi trên giảng đường hãy cố gắng nắm chắc những kiến thức được học kể cả kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Bởi vì nơi làm việc chỉ hướng dẫn nhân viên làm theo cái form của công ty chứ không ai dạy lại cho các bạn kiến thức chuyên ngành hay những kiến thức bạn bị hổng. Nếu không nắm kiến thức coi như bạn đã tự để cho mình bị thua kém. Tiếp theo là kỹ năng mềm, khi còn là sinh viên em rất tích cực tham gia nhiều hoạt động đoàn thể để trau dồi các kỹ năng và hiện tại em áp dụng những kỹ năng đó rất nhiều như làm việc nhóm, làm việc dưới áp lực cao, tuân thủ deadline, biết lắng nghe và giao tiếp với người khác… Ở môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp thì đòi hỏi rất cao ở bản thân mỗi nhân viên sự nhạy bén, mà để có thể hòa nhập tốt bạn cần phải có các kỹ năng sống rất cần thiết”.


Qua câu chuyện “xin việc” của Lộc và Vũ đã chứng mình cho câu nói “Cơ hội không tự đến với mình”, vì thế đôi khi để đạt đến cái đích mình muốn bạn phải biết tự tạo cho mình cơ hội và nắm bắt nó đúng lúc. Và để tạo nền tảng cho điều này, UD-CK đã xây dựng môi trường đào tạo năng động, giúp sinh viên phát huy tối đa tính tư duy, sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong học tập, với mục tiêu “Sinh viên trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực nghề nghiệp”. Chính vì thế, không chỉ có Lộc và Vũ, mà hầu hết sinh viên tại UD-CK sau khi tốt nghiệp đều tìm được những việc làm ở vị trí phù hợp với ngành nghề mình theo học. 

 


Cụ thể, nhà trường đã thực hiện một cuộc khảo sát 1.895 sinh viên đại học và 369 học viên cao học tốt nghiệp gần đây thì 90% sinh viên ra trường có việc làm. Những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp từ UD-CK có không ít các cá nhân thành đạt, khởi nghiệp thành công, hiện đang nắm giữ trọng trách tại các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Để có được kết quả này chính là sự nỗ lực của chính các em, các học viên và lòng tâm huyết, sự cống hiến của các giảng viên tại Phân hiệu và các GS, PGS, TS đến từ các trường thành viên của ĐHĐN.