UD-CK
Sáng ngày 11/5, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, hiện đang công tác tại ĐH Thương Mại Hà Nội, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đại diện phòng Hành chính, phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế đến từ ĐH Thương Mại đã có buổi làm việc và trao đổi với lãnh đạo UD-CK.

Cùng với Khoa Thương Mại - Đại học Kinh tế (ĐHĐN), trường ĐH Thương Mại Hà Nội là đơn vị thứ 2 sẽ kết hợp với UD-CK đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thương mại và phân phối – CODI 2018”, dự kiến tổ chức tại Kon Tum vào tháng 9/2018. Vì thế, mục đích của chuyến làm việc lần này của đoàn công tác ĐH Thương Mại là cùng đại diện lãnh đạo UD-CK thống nhất các phương án tổ chức để chương trình Hội thảo được diễn ra thành công tốt đẹp.

 

 

Đại diện UD-CK làm việc với đoàn công tác có PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐH tại Kon Tum, ThS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp và các đại diện đến từ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.

Chia sẻ với đoàn công tác, PGS.TS. Đặng Văn Mỹ cho biết trong quá trình hình thành và phát triển, UD-CK cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động về khoa học công nghệ. Điển hình như năm 2017, UD-CK kết hợp với ĐH Kinh tế (ĐHĐN), ĐH Tây Nguyên đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên” lần thứ nhất. Việc kết hợp ĐH Thương Mại, Đại học Kinh tế (ĐHĐN) lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối – CODI 2018” hy vọng sẽ gây được “tiếng vang” mới để từ đó tạo sự kết nối với các trường ĐH khác trong cả nước nhằm tiếp tục tổ chức thêm nhiều các hội thảo quan trọng và ý nghĩa. Việc tổ chức hội thảo và mời các các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước (Đài Loan, Pháp, Thái Lan…) viết các bài nghiên cứu khoa học sẽ tạo tiền đề để thành lập, triển khai các diễn đàn hoặc xây dựng tạp chí về Khoa học công nghệ nhằm công bố các nghiên cứu khoa học có thành tựu, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế nước nhà.

 

 

Là đơn vị đồng tổ chức, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cũng nhất trí rằng việc kết hợp nhiều đơn vị tổ chức các chương trình hội thảo tạo nên được rất nhiều lợi thế. Cụ thể, đây chính là cơ hội để giao lưu về khoa học công nghệ với các trường; Tạo nên được tiếng vang, uy tín đối với cộng đồng về sự liên kết hợp tác; Giảm được chi phí tổ chức cho các bên tham gia.

 

GS.TS Đinh Văn Sơn cũng chia sẻ rằng các đơn vị tham gia đồng tổ chức có thể chủ động tìm kiếm, liên hệ với các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng số lượng đơn vị tham gia, tăng thêm sự uy tín cũng như đa dạng các bài báo cáo, phân tích. Ngoài ra, các chương trình hội thảo sắp tới kết hợp với các trường khác, có thể thay đổi vị trí tổ chức ở các tỉnh nhưng vẫn giữ nguyên mục tiêu và định hướng của chủ đề hội thảo. Việc kế thừa, phát triển từ các nghiên cứu của hội thảo trước sẽ xây dựng thương hiệu cho hội thảo đồng thời tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn các đề tài.

 

 

Để chương trình diễn ra thành công, các bài báo cáo, phân tích đạt chất lượng thì đoàn công tác và đại diện UD-CK đã thông nhất các bài viết từ các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hội thảo sẽ gửi về cho 3 đơn vị tổ chức. Sau đó các đơn vị sẽ sử dụng thanh đo chung về việc đánh giá, thẩm định chất lượng bài viết để lựa chọn các bài nghiên cứu phù hợp để báo cáo tại hội thảo.

 

Các bài viết tham gia hội thảo sẽ được in thành kỷ yếu hoặc sách chuyên khảo với 2 ngôn ngữ Việt – Anh và trong đó sẽ có bài giới thiệu về các đơn vị tổ chức nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu các trường.

 

 

Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối - CODI 2018” lần đầu tiên được tổ chức ở Kon Tum với mong muốn tập hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tư vấn cho lãnh đạo và chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam có những tham khảo nhất định, đóng góp vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển thương mại, đầu tư và thị trường phân phối nói riêng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

 

Các bài viết gửi về hội thảo tập trung vào các nội dung:

 

- Các mô hình kinh doanh thương mại, phân phối hiệu quả và bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

 

- Vai trò của thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

 

- Những cơ hội, thách thức của ngành thương mại bán lẻ và phân phối tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

- Thực trạng và xu thế phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

 

- Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại  Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa.

 

- Ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và tác động của các FTAs thế hệ mới đến các doanh nghiệp Việt Nam.

 

- Chính sách thương mại và phân phối hàng hóa ở Việt Nam.

 

- Những kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, phân phối.

 

Hội thảo đã khởi động và nhận bài viết từ các nhà nghiên cứu khoa học từ năm 2017 và sẽ kết thúc nhận bài viết vào ngày 30/6/2018. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức tại Kon Tum vào các ngày 28, 29, 30/9/2018.

 

Đại diện 2 trường tặng quà lưu niệm