UD-CK
Sáng ngày 11/5, tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, các học viên lớp cao học Ngành Quản lý Giáo dục, khóa 34 đã thực hiện bảo vệ đề cương chi tiết luận văn thạc sĩ trước các thành viên Hội đồng bảo vệ đến từ Trường ĐH Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng.

Lớp cao học Ngành Quản lý giáo dục, Khóa 34 được khai giảng tại UD-CK vào tháng 1/2017. Các GS, PGS, TS đến từ các trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng trực tiếp phụ trách ngành và thực hiện công tác giảng dạy xuyên suốt khóa học. Việc bảo về đề cương chi tiết luận văn sẽ giúp các học viên lắng nghe và đón nhận các nhận xét, góp ý của hội đồng bảo vệ để hoàn thiện luận văn tốt nghiệp thạc sĩ đạt chất lượng cao, có tính thực tiễn.

 


Hội đồng bảo vệ đề cương chi tiết luận văn thạc sĩ của lớp cao học Ngành Quản lý Giáo dục, Khóa 34 đến từ Trường ĐH Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng gồm PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng làm chủ tịch, PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó hiệu trưởng làm thư ký. Các ủy viên của hội đồng gồm: TS Nguyễn Thị Trâm Anh, Khoa Tâm lý Giáo dục; TS Bùi Việt Phú, Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư Phạm; PGS. TS. Lê Đình Sơn, Ban Khoa học Công nghệ & Môi trường, Đại học Đà Nẵng.

 


Luận văn thạc sĩ Ngành Quản lý giáo dục là đề tài nghiên cứu có cơ sở khoa học, được quản lý cụ thể. Đề tài do Khoa hoặc học viên tự đề xuất, được hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng ra quyết định công nhận. Luận văn phải là một công trình nghiên cứu độc lập của học viên, được thực hiện theo thời gian và các quy chuẩn bắt buộc hội đồng nhà trường. Nội dung luận văn phải thể hiện được các kiến thức về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực Quản lý Giáo dục và phương pháp giải quyết vấn đề đã đặt ra. Người thực hiện luận văn phải biết vận dụng phù hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học vào giải quyết vấn đề do mình đề xuất, dựa trên những kiến thức được trang bị trong quá trình học để hoàn thành luận văn. 


Chia sẻ với các học viên trước buổi bảo về đề cương, PGS.TS Lê Quang Sơn cho biết, qua buổi bảo vệ này hội đồng sẽ lắng nghe và xem xét cũng như chỉ ra các lỗi còn gặp trong các đề cương báo cáo. Sau đó, các học viên sẽ có 2 tuần để hoàn thiện và nộp luận văn hoàn chỉnh để Khoa quyết định thời gian, thành lập hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ cho các học viên. PGS.TS Lê Quang Sơn cũng nhấn mạnh rằng, để nâng cao và hoàn thiện luận văn tốt nhất các học viên có thể thường xuyên liên hệ với các bộ giảng dạy hoặc phụ trách tại Khoa để báo cáo tiến độ thực hiện cũng như nhận góp ý, nhận xét và tham khảo thêm các ý kiến, trao đổi, chia sẻ từ các thầy cô.

 


Hằng năm, Đại học Đà Nẵng thường xuyên mở các lớp đào tạo thạc sĩ với rất nhiều chuyên ngành tại các trường thành viên. Được đóng tại Kon Tum, ngoài đào tạo các bậc Cao đẳng, Đại học chính quy, UD-CK cũng liên kết với các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng tổ chức đào tạo các chương trình thạc sĩ nhằm giúp các học viên là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, cán bộ viên chức các bộ ngành, doanh nhân… đang công tác tại địa bàn Kon Tum hoặc các tỉnh lân cận có điều kiện học tập và nâng cao trình độ. Chính vì thế, nhiều năm qua UD-CK đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều học viên muốn học thạc sĩ và UD-CK cũng là đơn vị giúp cung cấp một lượng lớn nguồn lao chất lượng cao, góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.


Các chương trình đào tạo thạc sĩ tại UD-CK sẽ do chính các GS, PGS, TS đến từ các trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng phụ trách ngành và trực tiếp giảng dạy. Bằng tốt nghiệp thạc sĩ do chính các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng cấp. Đây chính là những lợi thế khi học thạc sĩ tại UD-CK, học gần nhà mà vẫn được những giảng viên giàu chuyên môn đào tạo, bằng cấp có giá trị nhằm giúp việc thăng tiên của bản thân dễ dàng hơn. Để giúp người học chủ động được thời gian học tập, các lớp thạc sĩ tại UD-CK thường được mở vào cuối tuần để mọi người có thể sắp xếp được thời gian, tham gia đầy đủ các buổi học.