UD-CK
Kế thừa sự thành công từ hội thảo lần thứ 1 được tổ chức vào ngày 17/2/2017, UD-CK tiếp tục là đơn vị chủ trì hội thảo quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên – CoSED” lần thứ 2/2018 sẽ được tổ chức tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum vào ngày 16/6/2018.

Đồng chủ trì với UD-CK trong lần tổ chức hội thảo quốc gia lần này là Khoa kinh tế - ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Khoa Kinh tế và Kế toán - ĐH Quy Nhơn, Khoa Hóa – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và ĐH Nông Lâm Huế. Chương trình hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển Kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên – CoSED” lần 2 - 2018 có chủ đề “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển bền vững trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”.

 

 

Để thu hút được nhiều bài tham luận, báo cáo từ các nhà nghiên cứu khoa học, các giáo sư đầu ngành về lĩnh vực liên quan, BTC hội thảo đã khởi động chương trình và bắt đầu nhận các bài viết từ đầu năm 2017 và kết thúc nhận bài vào ngày 30/04/2018.

 

Cho đến thời điểm hiện tại khi đã kết thúc nhận bài, BTC đã nhận được hơn 150 bài viết, báo cáo, tham luận từ rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học đến từ khắp nơi trong cả nước. Hiện Hội đồng Khoa học của Hội thảo đang đánh giá, thẩm định để lựa chọn các công trình, bài viết đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khoa học đặt ra để báo cáo tại hội thảo.

 

 

Tây Nguyên là khu vực có nhiều tiềm năng về tự nhiên và con người để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, tọa lạc ngay ngã ba Đông Dương, là khu vực duy nhất tiếp giáp với cả Lào và Campuchia, Tây Nguyên được xem là vùng đất có vị thế hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Cùng với cả nước, Đảng, chính quyền và cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên đã và đang có nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Là cơ sở giáo dục Đại học duy nhất tại khu vực Bắc Tây Nguyên, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum bên cạnh hoàn thành tốt nhất công tác đào tạo thì luôn nhận thức được tầm quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung. 

 

Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, ban lãnh đạo Nhà trường luôn ấp ủ mong muốn tạo lập diễn đàn để tập hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tư vấn cho lãnh đạo và chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Tây nguyên về các vấn đề: Hỗ trợ hình thành ngành nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trên cơ sở khai thác các tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vưc nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương trên địa bàn…

 

Với sự thành công của hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên – Lần thứ 1/2017” do UD-CK kết hợp với ĐH Kinh tế Đà Nẵng và ĐH Tây Nguyên tổ chức đã tạo nên một kênh thông tin tham khảo có giá trị cho các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các nhà hoạch định chính sách và những đối tượng có quan tâm, để từ đó có những hành động thiết thực, bắt tay ngay vào thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của Tây Nguyên. Cũng từ những thành công ấy đã tạo động lực và sự thúc đẩy mạnh mẽ để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà lãnh đạo tham gia viết báo cáo và tham luận tại hội thảo lần thứ 2 này, góp phần thay đổi nhiều hơn nữa các mặt về kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

 

Các nội dung mà hội thảo quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên – CoSED” lần thứ 2/2018 hướng đến trao đổi và thảo luận gồm:

 

* Về phương diện kinh tế và pháp lý

 

- Xác định các cây trồng và vật nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của các vùng trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

 

- Hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành nông nghiệp của các địa phương trong vùng.

 

- Định hướng phát triển các sản phẩm sản xuất, chế biến từ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

- Các yếu tố pháp lý cho phép phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao.

 

* Về phương diện kỹ thuật và công nghệ

 

- Công nghệ, kỹ thuật ứng dụng trong trồng trọt, chăm sóc và phát triển bền vững các loại cây trồng theo định hướng của mục tiêu về phát triển trồng trọt trong vùng.

 

- Công nghệ, kỹ thuật ứng dụng trong chăn nuôi, chăm sóc và phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi theo định hướng của mục tiêu về phát triển chăn nuôi trong vùng.

 

- Công nghệ, kỹ thuật ứng dụng trong bảo quản, chế biến, hình thành các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng điều kiện kinh tế, văn hóa, thương mại và tiêu dùng của thị trường.

 

* Về phương diện hỗ trợ

 

- Thúc đẩy và tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

 

- Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở huy động nguồn lực địa phương nhằm tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc.

 

- Phát triển các hình thức đào tạo theo định hướng ứng dụng tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp công nghệ cao.

 

Hội thảo sẽ kết thúc đăng ký tham gia vào ngày 30/5/2018 và sẽ diễn ra vào ngày 16/6/2018 tại Hội trường C, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.