UD-CK
Bắt đầu từ năm 2014, Bộ Khoa học - Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 18-5 hằng năm là ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam.

Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, trong đó quy định lấy ngày 18-5 hằng năm là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

 


Nhân dịp chào mừng ngày Khoa học – Công nghệ 2018, cùng UD-CK nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực KHCN sau hơn 10 năm hình thành và phát triển cũng như những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

 


Thực hiện hơn 100 đề tài từ cấp Bộ đến cấp Phân hiệu


Là thành viên thứ 7 của Đại học Đà Nẵng và được đóng tại địa bàn Kon Tum - 1 trong 5 tỉnh được xem là điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên - Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum không chỉ hoàn thành tốt công tác đào tạo về chuyên môn mà luôn xem hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cộng đồng.


Chính vì thế, từ khi bắt đầu thành lập vào năm 2007 đến nay, Nhà trường đã thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín.

 


Cụ thể,  từ năm 2007 đến năm 2017, UD-CK đã thực hiện được 101 đề tài các cấp, trong đó 9 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp Tỉnh, 25 đề tài cấp ĐHĐN và 63 đề tài cấp Phân hiệu. Tổng chi phí thực hiện cho các đề tài này là hơn 8 tỷ đồng. 
Những kết quả nghiên cứu của tập thể Giảng viên và nghiên cứu viên của Phân hiệu tập trung vào các chủ đề chính như:


- Phát triển nguồn nhân lực cho người đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên.


- Phát triển các hoạt động marketing cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và nguồn tự nhiên của Tây Nguyên.


- Khai thác chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chính trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.


- Vấn đề tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp và địa phương trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.


- Nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng ngành và các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên


Với những thành tựu này, hiện nay có hàng chục đề tài, dự án trọng điểm cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp Đại học Đà Nẵng do các PGS, TS, ThS tại UD-CK thực hiện đã và đang được triển khai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Nguyên. 


Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2017 UD-CK cũng đã công bố 222 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cụ thể, 9 bài trên tạp chí ISI, 12 bài trên tạp chí quốc tế có chỉ số ISSN, 122 bài trên tạp chí trong nước có chỉ số ISSN, 19 bài trên kỷ yếu hội thảo quốc tế có chỉ số ISSN và 60 bài trên kỷ yếu hội thảo trong nước.


Không những thúc đẩy hoạt động NCKH của giảng viên, UD-CK còn có nhiều hoạt động, chính sách để thu hút sinh viên NCKH. Số lượng và chất lượng các đề tài sinh viên NCKH ngày càng tăng, từ năm 2012-2017 đã có 39 đề tài được sinh viên thực hiện.


Đặc biệt, tại vòng chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ XVIII năm 2016, 1 nhóm sinh viên thuộc Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp đã được tham dự với đề tài “Ứng dụng phần mềm CroWat 8.0 tính toán nhu cầu nước cho cây cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà tương ứng với dự báo biến đổi khí hậu Tây Nguyên đến năm 2030”


Tổ chức nhiều hội thảo – hội nghị quan trọng


Tại UD-CK, để các hoạt động nghiên cứu khoa học được diễn ra thường xuyên và đạt chất lượng cao, công tác tổ chức quản lý luôn là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. 


Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế chính là bộ phận tham mưu, giúp ban lãnh đạo nhà trường thực hiện công việc hoạch định chiến lược, quản lý, tổ chức thực hiện mọi hoạt động có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ như xây dựng các chương trình nghiên cứu, kế hoạch NCKH (dài hạn, trung hạn, hàng năm); Tập huấn về công tác NCKH; Chuyển giao kết quả khoa học công nghệ vào học tập giảng dạy, và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản (quy định, hướng dẫn) giúp quản lý công tác NCKH; Thẩm định, xét duyệt, nghiệm thu, đánh giá các báo cáo, đề tài, đề án, dự án NCKH; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình NCKH trong phạm vi quản lý; Chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học từ cấp Phân hiệu trở lên; kết nối với đơn vị có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án, chương trình NCKH  trong và ngoài nước.


Với vai trò và nhiệm vụ này, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã phối hợp với Nhà trường tổ chức thành công nhiều hội thảo – hội nghị quan trọng.


Năm học 2013-2014, tổ chức hội thảo“Hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và địa phương”. Tại hội thảo, UD-CK đã kí bản cam kết hợp tác với 4 đơn vị trong đó có Sở KHCN tỉnh Kon Tum, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. UD-CK cam kết sẽ cùng Địa phương và các Doanh nghiệp nỗ lực tăng cường các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của Phân hiệu nói chung và thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác với Địa phương và Doanh nghiệp nói riêng.


Năm học 2014-2015, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Đại học Valenciennes, Cộng hòa Pháp tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo giúp tìm ra con đường tối ưu cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thiết lập các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ sở cho việc đề xuất mô hình giáo dục đặc thù cho khu vực Tây Nguyên, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Tây Nguyên.


Năm học 2016-2017, tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” lần thứ 1 nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trường. Hội thảo đã giúp tạo nên một kênh thông tin tham khảo có giá trị cho các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các nhà hoạch định chính sách và những đối tượng có quan tâm. Để từ đó có những hành động thiết thực, bắt tay ngay vào thay đổi các vấn đề về khai thác tiềm năng và nguồn lực tại địa phương để phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương trên địa bàn…


Hướng đến nhiều hoạt động KHCN ý nghĩa trong thời gian tới 


Nhằm phát huy tốt hơn nữa công tác NCKH, Ban lãnh đạo nhà trường và Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế đã đề ra nhiều định hướng phát triển mới trong năm 2018 cũng như thời gian tới:


1. Các chương trình dự kiến triển khai


- Xây dựng và triển khai các chương trình Khoa học công nghệ mang tính tập trung hướng đến chuyển giao tích cực cho cộng đồng, một số chương trình KHCN tiêu biểu sẽ triển khai trong năm 2018-2020 đó là:


    + Phát triển cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản trị điều hành cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên

 

    + Phát triển các mô hình hợp tác xã trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa của khu vực Tây Nguyên.


    + Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở khai thác các mô hình nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.


    + Phát triển ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên trên cơ sở khai thác tài nguyên và phát triển bền vững.


    + Phát triển công nghiệp chế biến nhằm khai thác các giá trị gia tăng và nâng cao năng suất và đời sống cư dân trên địa bàn.


2. Một số định hướng nghiên cứu cụ thể


- Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện và quản lý các hoạt động khoa học - công nghệ.


- Phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 hội thảo khoa học quan trọng thường niên: Hội thảo Khoa học Quốc gia “Phát triển Kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên” lần 2 vào tháng 6/2018 và Hội thảo quốc tế “Thương mại và Phân Phối-CODI” lần 1 vào tháng 9/2018.


- Hình thành chương trình nghiên cứu và nhóm các đề tài nghiên cứu liên quan đến hoạt động khởi nghiệp.


- Tăng cường nghiên cứu ứng dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.


-  Xây dựng định hướng đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên, ưu tiên phát triển các đề tài định hướng ứng dụng và hướng nghiệp.


- Xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành và liên ngành, xác định các vấn đề nghiên cứu trọng điểm, gắn nghiên cứu với đào tạo theo định hướng của nhà trường - đào đạo theo định hướng ứng dụng, đáp ứng với nhu cầu của địa phương.


- Nâng cao chất lượng tập san hướng tới thành lập tạp chí.


-  Kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác của Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, tư vấn và hỗ trợ giảng viên và sinh viên thực hiện các nghiên cứu khoa học.


Trao đổi với nhóm truyền thông nhân ngày khoa học công nghệ, PGS.TS Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kontum chia sẻ: "Nhân ngày khoa học công nghệ, tôi chân thành chúc các Giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường dồi dào sức khỏe, không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu khoa học trong tình hình mới”.

 

Cũng trong diễn đàn này, PGS.TS Đặng Văn Mỹ kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp hãy nhận thức tốt hơn về vai trò và ý nghĩa của Khoa học công nghệ, có những hình thức thích đáng đầu tư ngân sách để triển khai những chương trình Khoa học công nghệ thiết thực nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế địa phương, năng lực doanh nghiệp và năng lực sống để sáng tạo nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, cho tổ chức và cộng đồng