UD-CK
Tối 2/6, gần 1.500 khán giả hồi hộp chờ đón sự xuất hiện của 13 ý tưởng lọt vào vòng chung kết Startup Runway 2018 tại sân khấu Nhà hát Trưng Vương, TP. Đà Nẵng, thì ngay tại UD-CK lúc ấy, không khí xem livestream của các thầy cô và các bạn sinh viên cũng “nóng” như khi xem trận chung kết U23 ở Cúp Châu Á hồi đầu năm.

Ngay khi cái tên Lào Food, đội duy nhất đại diện UD-CK tham dự vòng chung kết, được xướng lên ở hạng mục Giải nhì, mọi cảm xúc đã vỡ òa. Thậm chí nhiều thầy cô xem qua màn hình, đặc biệt là những người đã đồng hành với các bạn trong dự án khởi nghiệp này đã thật sự bật khóc. ThS. Nguyễn Thị Thanh, thuộc Trung tâm khởi nghiệp UD-CK không giấu được xúc động, đã đăng status chúc mừng ngay khi các bạn được gọi tên “Có những khi khóc không phải vì buồn, mà vì quá hạnh phúc. Xem livestream nín thở, đợi chờ đến lúc MC xướng tên của đội, nước mắt bật rơi.”

 

Các thành viên của nhóm Lào Food: Souvankham Nathithong, Larkhounmaung Maita, Vilason Saiyakone, Thepsombandith Linda, Setthilath Kita

 

Sự hỗ trợ từ “hậu phương” vững chãi

 

Lào Food không còn là cái tên xa lạ với sinh viên và giảng viên UD-CK. Bởi sau khi dự án mô hình cung cấp và phân phối các sản phẩm, món ăn đặc trưng của Lào tại Kon Tum của nhóm các bạn Lưu học sinh Lào vượt qua các đội khác của UD-CK và giành vé tham dự đêm chung kết thì các bạn đã “hiện thực hóa” ý tưởng bằng chính một “nhà hàng” Laofood khai trương tại cơ sở 2 vào cuối tháng 4. Đây chính là tiền đề quan trọng để các bạn có những kinh nghiệm thực tế có thể thuyết phục được ban giám khảo tin tưởng và lựa chọn dự án của mình trong đêm chung kết của Startup Runway.

 

Lào Food đã chính thức hoạt động từ cuối tháng 04/2018, phục vụ nhiều món ăn đặc trưng của Lào như Khai Ping (Trứng nướng), Tam Ma Nung (Nộm đu đủ), Ping En (Thịt nướng), Khao Phoun (Bún Lào), Khao Nieu (Xôi), Tam Mi (Nộm mì), Tom Mi Shal Khai (Mì tôm trứng), Ping Pa (Cá nướng)

 

Trước đó, sau khi trở về từ buổi tập huấn với các đại sứ đến từ Ai-len tại Đà Nẵng vào đầu tháng 4, các bạn đã bắt tay vào viết hoàn chỉnh dự án. Ban đầu, vì những áp lực như 4/5 thành viên mới chỉ là những sinh viên năm 1, chưa được học các môn chuyên ngành, chưa có nhiều kiến thức về kinh tế, chưa có kinh nghiệm viết dự án kinh doanh, chưa thật sự thông thạo hết Tiếng Việt và phải thuyết trình bằng Tiếng Anh, sợ “lép vế” với các đội mạnh đến từ các trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế… nên các bạn đã có ý định bỏ thi.

 

Tuy nhiên, chính các thầy cô như ThS. Nguyễn Thị Thanh, thuộc trung tâm khởi nghiệp UD-CK, ThS. Đinh Thị Thanh, cán bộ quản lý Lưu học sinh, ThS. Nguyễn Thị Minh Chi, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hiền, ThS. Trần Quốc Hùng là các giảng viên đến từ các khoa tham gia hỗ trợ khởi nghiệp…. đã hết sức động viên về tinh thần và hỗ trợ các em rất nhiều trong việc hoàn thiện dự án.

 

 

Không kể thời gian, dù là giữa trưa hay buổi tối, chỉ cần tập trung đầy đủ được các bạn trong nhóm, các thầy cô lại họp cả nhóm để giúp các bạn hoàn thiện ý tưởng theo mẫu dự thi của chương trình, chỉnh sửa, góp ý cách trình bày cho súc tích, ngắn gọn. Hỗ trợ các bạn trong việc hiệu chỉnh lại bản dịch Tiếng Anh, cách thức làm video giới thiệu, slide thuyết trình, tập trước cách trình bày và trả lời một số câu hỏi giả định…

 

Đặc biệt, PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, một người lãnh đạo luôn tâm huyết với các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, cũng luôn bên cạnh, giám sát và động viên, giúp các em hoàn thiện ý tưởng, hướng dẫn các em cách tạo ấn tượng trong những cuộc thi lớn… Đây chính là những động lực rất lớn để các bạn tự tin lên đường dự thi.

 

Bạn Vilason Saiyakone, nhóm trưởng Lào Food tâm sự “Sự tâm huyết, nhiệt tình và tình cảm cùng sự tin tưởng của các thầy cô đã truyền cảm hứng cho chúng em rất nhiều. Có thể nói, thầy cô chính là những người đã cho chúng em thêm sức mạnh và sự tự tin để đi đến chặng cuối cùng của cuộc thi”.

 

Bạn Vilason Saiyakone, nhóm trưởng đầy "năng lượng" của Lào Food

 

ThS. Nguyễn Thị Thanh cũng có những nhận xét về nhóm “Các bạn là một nhóm rất đoàn kết, có tinh thần học tập và tự học hỏi rất cao. Sự hỗ trợ của thầy cô chỉ là một phần nào đó, còn lại đều là tự bản thân các thành viên tìm hiểu và phát triển để đạt được thành tích như hôm nay. Các bạn biết cách phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đặc biệt luôn giữ cho mình những suy nghĩ rất lạc quan và luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động. Các bạn chính là tấm gương để các lưu học sinh và cả sinh viên Việt Nam học hỏi và cố gắng”.

 

Lên đường với 70% niềm tin chiến thắng

 

Có lẽ nhờ sự “tiếp sức” từ “hậu phương” của UD-CK nên các bạn khá tự tin khi lên đường dự thi. Bạn Vilason Saiyakone chia sẻ “Vì đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho các khâu nên chúng em khá tự tin, với hơn 70% niềm tin sẽ giành được giải. Nhưng lúc đó chỉ nghĩ đạt giải 3 hoặc giải được bình chọn thôi”

 

Trong đêm chung kết, dù là đội thi gần cuối trong số 13 đội nhưng các bạn vẫn rất tự tin hoàn thành phần thuyết trình của mình một cách lưu loát, mạch lạc và rõ ràng, lưu loát bằng Tiếng Anh. Với các câu hỏi của BGK về mở rộng quy mô dự án ra các tỉnh thành hay cách để phong phú hơn thực đơn, phương thức vận chuyển các nguyên liệu, mô hình bán hàng qua mạng xã hội… cũng được các bạn trả lời mạch lạc, rõ ràng và đầy thuyết phục.

 

 

Đặc biệt, ngay trong phần thuyết trình của mình các bạn còn mang đến bất ngờ cho BGK khi mời họ dùng thử món xôi và Lạp, hai món ăn đặc trưng của Lào. Để chuẩn bị các món ăn này, các bạn đã mang theo nếp và các nguyên liệu cần thiết từ Kon Tum xuống Đà Nẵng và nhờ các bạn Lưu học sinh Lào đang học tập tại đây hỗ trợ chế biến món ăn.

 

Bạn Larkhounmaung Maita, thành viên của nhóm chia sẻ “Lúc trình bày xong chúng em cũng khá hài lòng nhưng vẫn không nghĩ sẽ được giải cao. Bởi vì hầu hết các ý tưởng của các nhóm khác đều khá hay và hợp với sự phát triển của thời đại khi đều nhắc đến các giải pháp, mô hình ứng dụng thực tiễn gắn liền với thiết bị thông minh, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có nhóm chúng em là khác biệt”.

 

Tuy nhiên, chính sự “khác biệt” của nhóm đã “ghi điểm” với BGK và khán giả đến xem chương trình. Với sự cách biệt với đội về Nhất chỉ 1 điểm, Lào Food đã mang đến niềm tự hào cho UD-CK khi vượt qua 11 đội còn lại và giành giải nhì.

 

Sẽ mở rộng dự án trong tương lai

 

Trở về trong chiến thắng và mang theo niềm tự hào cho UD-CK nhưng các bạn vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình, lại tiếp tục lên giảng đường để hoàn thành các bài học và chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ. Các bạn phân lịch quản lý “nhà hàng” Laofood theo thời khóa biểu của mỗi người để không ảnh hưởng đến việc học. Với số tiền thưởng dành được từ chương trình, bạn Vilason Saiyakone cho biết sẽ trích một phần để “ăn mừng” với các thầy cô và các bạn. Còn lại một phần sẽ mua sắm thêm các dụng cụ, nguyên liệu dùng cho quán.

 

 

Vilason Saiyakone cũng cho biết, cả nhóm cũng đang cân nhắc và lên thực đơn cụ thể để sắp tới có thể gia tăng thêm món ăn cho quán, thu hút thêm các “khách hàng” từ bên ngoài. Từ đó sẽ dần dần nhân rộng mô hình hơn trong tương lai. Vilason Saiyakone và các bạn cũng hy vọng rằng sẽ có nhà đầu tư tìm đến dự án và hỗ trợ các bạn phát triển và nhân rộng mô hình, không chỉ phục vụ riêng cho sinh viên, giảng viên trong UD-CK như hiện nay.

 

Với chiến thắng của đội Lào Food tại một sân chơi khởi nghiệp lớn dành cho sinh viên ở khu vực miền Trung do Trường Đại học Kinh tế - ĐHĐN đăng cai tổ chức, với sự tài trợ của chính phủ Ai-len sẽ tạo động lực rất lớn cho sinh viên UD-CK khi tham gia các chương trình khởi nghiệp sau này. Tin rằng, bằng niềm tin, sự bản lĩnh và dám khẳng định bản thân của tuổi trẻ, cùng với sự nhiệt huyết từ phía nhà trường, các bạn sinh viên UD-CK sẽ có thêm nhiều cơ hội “bứt phá” để giành được nhiều thành công ở các sân chơi mới, đem vinh quang và tự hào về cho UD-CK. Việc tham gia các cuộc thi không chỉ vì giải thưởng mà còn giúp các bạn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, xây dựng được các mối quan hệ mới cũng như tạo cơ hội để phát triển bản thân hơn trong tương lai.