UD-CK
Những ngày của tháng Giêng, mọi ngã đường dẫn đến Kon Tum đều tấp nập hẳn. Đó là chuyến hành trình của đoàn người từ các tỉnh lân cận như Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi hay xa hơn như Đăk Lăk, Bình Phước, Đà Nẵng, Phú Yên, thậm chí có những bạn trẻ ở Sài Gòn, Bình Dương… đổ về xứ Măng Đen (Huyện Konplong, Tỉnh Kon Tum) ngắm hoa anh đào nở và đi cầu an tại tượng Đức Mẹ.

Thành Phố Kon Tum

Muốn cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ và tự nhiên nhất của vùng đất Măng Đen – nơi được ví “Đà Lạt thứ hai” giữa lòng Kon Tum thì bạn nhất định phải đến tận nơi và dừng chân tại vùng cao nguyên ấy. Nơi có những thung lũng và rừng thông bạt ngàn, hồ nước trong xanh và những bông hoa anh đào đang rực rỡ khoe mình trong nắng.

Nhưng khi đến với Kon Tum rồi, bạn sẽ nhận ra không chỉ có Măng Đen mới làm say nắng lòng du khách. Nằm cách thành phố Pleiku (Gia Lai) khoảng 50km về hướng Bắc, chuyến hành trình đến vùng đất được mệnh danh là “vương quốc sâm” bạn sẽ bắt gặp những cảnh đẹp chỉ có ở Kon Tum mà không lẫn với bất cứ nơi nào mà bạn đặt chân tới.

Măng Đen – nơi được ví “Đà Lạt thứ hai” giữa lòng Kon Tum

 

Đặc sản "Gà nướng, cơm lam" tại Măng Đen, Kon Tum

 

Điểm nhấn của du lịch Kon Tum là có thể tham quan các thắng cảnh, kiến trúc theo cụm, nhóm khác nhau dựa vào địa bàn các xã, huyện. Đầu tiên, có thể nhắc đến là 3 kiến trúc giao hòa giữa sự sang trọng và nổi bật của phương Tây với sự mạnh mẽ, mộc mạc, gần gũi của người đồng bào Tây Nguyên, đó là Nhà thờ Gỗ, Tòa Giám mục và Nhà rông KonKlor tại thành phố Kon Tum.

Nhà Rông KonKlor, TP.Kon Tum

 

 

Tòa Giám mục, TP. Kon Tum

 

Nhà thờ Gỗ đã hơn 100 năm tuổi, được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, những bức tường được làm bằng đất trộn rơm. Những nét văn hóa của người dân Tây Nguyên được các nghệ nhân khéo léo và tỉ mỉ thể hiện qua những hoa văn trang trí với đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng và lôi cuốn. Tòa Giám mục được xây dựng từ năm 1935, sau hơn 80 năm, tòa nhà vẫn giữ được những kiến trúc và không gian thanh thoát, yên bình giúp xua tan cảm giác mệt mỏi, buồn chán khi đến đây. Nhà rông KonKlor gây ấn tượng khi đây là “Nhà rông lớn nhất Việt Nam”, nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội và được xem là linh hồn của các dân tộc đang sinh sống tại Kon Tum. Bên cạnh nhà rông là chiếc cầu treo KonKlor cũng có tuổi đời hơn 50 năm, là cây cầu sắt duy nhất bắc qua con sông Đăk Bla – dòng sông chảy ngược huyền thoại với nước sông lúc nào cũng đỏ thẫm. Còn gì yên bình hơn khi ngắm hoàng hôn buông xuống bên những con đò, con thuyền độc mộc đang chậm rãi vào bờ.

 

Nhà thờ Gỗ - Thành phố Kon Tum

 

Cầu treo KonKlor, Kon Tum

 

Các huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi, huyện Sa Thầy còn có nhiều thắng cảnh, địa điểm nổi bật níu chân lữ khách như di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, khu chứng tích nhà thờ Kon Hring, khu suối nước nóng Kon Đào, thác Đăk Lung, thác Đăk Chờ; suối Đăk Na; rừng thông sinh thái phía Đông thị trấn Đăk Tô; Vườn quốc gia Chư Mom Ray tiếp giáp với hai khu bảo tồn thiên nhiên của Lào và Campuchia; Hồ thủy điện Yaly và thác Yaly hùng vĩ. Hay bạn có thể ghé tới cửa khẩu Bờ Y, trèo lên cột mốc ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia và nói vui như nhiều du khách tới đây rằng bạn có thể xin nhập cảnh vào Lào để uống một chai bia rồi về.

 

Đăk Tô - Tân Cảnh

 

Với lợi thế về thổ nhưỡng cùng khí hậu ôn hòa giống Đà Lạt, huyện Kon Plông được tỉnh Kon Tum xác định là vùng kinh tế trọng điểm theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các sản phẩm như sâm Ngọc Linh, rau hoa củ quả xứ lạnh, cá tầm… UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương. Hiện nay, toàn huyện đã thu hút được trên 80 dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp – loại hình du lịch được đánh giá là khá mới mẻ nhận được sự quan tâm lớn của du khách đến thăm. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng và phát triển cây cà phê ở huyện Đăk Hà và phát triển chăn nuôi đại gia súc tại huyện mới Ia H'Drai. Với mục tiêu mang “đặc sản” Kon Tum ra thế giới nền kinh tế Kon Tum đang chuyển mình mạnh mẽ. Những năm gần đây Kon Tum còn được các nhà đầu tư lớn như tập đoàn FLC, Vingroup đang triển khai các dự án hứa hẹn một sự thay da đổi thịt ở tỉnh Bắc Tây Nguyên giàu tiềm năng này.

 

Cà phê vào mùa thu hoạch

 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, Kon Tum đang khát nguồn nhân lực đặc biệt về lĩnh vực Du lịch, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Xây dựng dân dụng, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ chế biến,… UD-CK: là Cơ sở giáo dục của Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum (UD-CK) được hình thành và phát triển trên mảnh đất Tây Nguyên mang trong mình sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Kon Tum nói chung và Tây Nguyên nói riêng. UDCK đã “níu giữ” và đào tạo, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực cho khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước với hơn 10.000 cử nhân, kỹ sư các khối ngành Kinh tế - Quản lý, Sư phạm – Luật, Kỹ thuật – Nông nghiệp và hơn 1.500 thạc sĩ.

 

Cây sâm dây (Hồng Đẳng Sâm) được trồng phổ biến tại huyện KonPlong

 

Vườn cao thu thay lá

 

Sinh viên UDCK không chỉ được trau dồi các kiến thức chuyên ngành trên giảng đường mà trong quá trình học tập, Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn “đi một vòng Kon Tum và nhiều hơn thế” thông qua các chương trình thực tế, thực tập, tham quan tại các doanh nghiệp, địa bàn, các chương trình xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

 

Vậy thì, bạn còn ngại gì mà chưa “đặt” cho mình “một vé” lên “chuyến xe thanh xuân” của UD-CK. “Chuyến xe” này không chỉ chở bạn đến bến tri thức mà đưa bạn đến với những điều còn tuyệt vời và lớn lao hơn thế.

 

Bạn đã sẵn sàng đến UD-CK và bắt đầu chinh phục Kon Tum chưa?

 

Hãy cùng chúng tôi khởi hành nhé! Điểm hẹn tại Cơ sở Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, 704 Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum.

 

Lễ hội Cồng Chiêng tại Kon Tum