UD-CK
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên lần thứ 3, năm 2019” được tổ chức tại Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum vào ngày 07/06, UD-CK cũng đã tổ chức buổi tọa đàm “Hợp tác nghiên cứu – Phát triển giải pháp nhằm gia tăng giá trị sản xuất của doanh nghiệp” với sự tham gia của đông đảo đại diện doanh nghiệp đến từ tỉnh Kon Tum và các địa phương lân cận.

Chủ trì buổi tọa đàm là Giám đốc Phân hiệu, Trưởng ban tổ chức hội thảo, Giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum; TS. Vũ Mạnh Bảo, Giám đốc Ngân hàng Phát triển, chi nhánh tại Kon Tum. Bên cạnh đó là sự tham gia của đại diện doanh nghiệp đến từ nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai, Trang trại trồng sâm dây Hà Văn Đại; Cơ sở sản xuất Tinh bột nghệ Hương Nguyễn; Ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombank; Công ty Mía Đường Kon Tum; Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Bảo Nguyên…

 

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Phân hiệu đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc liên kết hỗ trợ giữa doanh nghiệp với nhà trường. Trong đó, phía nhà trường trong nhiều năm qua đã đào tạo và cung cấp một số lượng nguồn lao động chất lượng cao, có tay nghề và chuyên môn với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo nhằm giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được các vị trí nhân sự phù hợp. Nhà trường cũng thực hiện chuyển giao các nghiên cứu của các giảng viên giúp hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và giá trị của các doanh nghiệp địa phương. Nhà trường cũng giúp nhiều doanh nghiệp phát triển thị trường, thương hiệu thông qua việc kêu gọi tài trợ các chương trình, hội nghị, hội thảo do nhà trường tổ chức có đông đảo khách mời đến từ nhiều lĩnh vực tham gia.

 


Về phía doanh nghiệp cũng đem đến cho nhà trường, đặc biệt là sinh viên, những giá trị nhận được như tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, tài trợ học bổng, tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, nhận sinh viên về làm việc sau khi ra trường…

 


TS. Vũ Mạnh Bảo, Giám đốc Ngân hàng Phát triển, chi nhánh tại Kon Tum cũng chỉ ra tầm quan trong việc liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp, bởi hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có các nhu cầu về nguồn nhân lực, về các thành tựu nghiên cứu, đội ngũ tư vấn có tay nghề và chuyên môn để giúp doanh nghiệp thúc đẩy và phát triển giá trị. Tuy nhiên, tại địa phương hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số nên nhiều người vẫn chưa biết cách kết nối với nhà trường, vì vậy ông mong muốn thời gian tới nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi.

 


Tham gia buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp cũng mang đến những tâm tư, chia sẻ, những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, đặc biệt là ở lĩnh vực kỹ thuật – nông nghiệp như công nghệ thông tin, điện, điện tử, công nghệ sinh học; một số doanh nghiệp sản xuất dược liệu từ nghệ, nấm linh chi, hồng đẳng sâm… thì lại không có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu sinh học để tìm ra những thế mạnh của dược liệu cơ sở đang sở hữu nên chưa có nhiều đột phá trong sản xuất, giá trị sản xuất chưa cao…Một số đại diện doanh nghiệp thì hào hứng về buổi tọa đàm vì lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp khác giúp họ thẩm định và định hướng được nhu cầu của các khách hàng tiềm năng, nắm bắt được xu hướng kinh doanh hiện tại.

 


Lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp, Giám đốc Phân hiệu cho biết thời gian tới nhà trường sẽ tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, nếu các doanh nghiệp cần các hỗ trợ trong các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh học thì nhà trường sẽ hỗ trợ thực hiện và chuyển giao công nghệ; Nhà trường cũng sẽ nắm bắt tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực về các ngành nghề để mở rộng việc đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu…


Cũng trong buổi tọa đàm, UD-CK và đại diện doanh nghiệp đã ký kết biên bản hợp tác tổng quát làm cơ sở cho việc triển khai quá trình hợp tác chặt chẽ trong tương lai, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp cũng như phía nhà trường, đặc biệt là đối với các sinh viên trong vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.