UD-CK
Chiều ngày 14/06, tại Hội trường C, Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum đã diễn ra Hội nghị “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức” dành cho Giảng viên, CBVC và sinh viên của Nhà trường.

 

Tham dự hội nghị có Ban Giám đốc Phân hiệu và toàn thể Giảng viên, CBVC đang công tác tại Nhà trường. Bên cạnh đó là sự có mặt của gần 50 sinh viên đại diện cho các khóa, các lớp cũng về tham dự.


Mở đầu hội nghị, Giám đốc Phân hiệu đã nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với sự phát triển giáo dục hiện nay, đã làm thay đổi rất nhiều về nhận thức, hành vi của con người. Do đó, công tác quản lý, đào tạo và giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học cũng cần những đổi mới phù hợp với sự tác động của cuộc CMCN 4.0 để người giảng dạy và sinh viên đều tự tin hòa nhập với sự phát triển của xã hội bên ngoài, trở thành những công dân 4.0 tiên tiến, hòa đồng.

 


Đại diện các phòng ban như Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Đào tạo, Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên, đại diện các khoa như Khoa Kinh tế, Khoa Sư phạm và Dự bị Đại học, Khoa Kỹ thuật – Công nghiệp cũng mang đến hội nghị những bài tham luận sâu sắc và thực tế  về thực trạng hiện nay tại Nhà trường cũng như cơ hội và thách thức từ sự tác động của cuộc CMCN 4.0 lên công tác quản lý, đào tạo và giảng dạy tại UD-CK, từ đó đưa ra các giải pháp để ngày càng hoàn thiện hơn việc dạy và học phù hợp với sự phát triển của xu thế hiện nay.

 


Trong bài tham luận “Đổi mới công tác quản lý của Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”, ThS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Hành chính – Tổng hợp đã giúp mọi người có cái nhìn tổng quan và các khái niệm về cuộc CMCN 4.0 hiện nay. Bên cạnh đó, bài tham luận cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý trong điều kiện CMCN 4.0 như Triển khia phần mềm quản lý văn bản đồng bộ từ phòng Hành chính – Tổng hợp đến tất cả các bộ phận; Đầu tư xây dựng một số phần mềm mới như phần mền quản lý khoa học, quản lý sinh viên, quản lý khu nội trí, quản lý đào tạo tín chỉ; Nâng cao trang web phục vụ tuyển sinh và trang web phục vụ khoa học và chuyển giao công nghệ; Xây dựng các nguồn dữ liệu mở để chia sẻ tri thức…

 

ThS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Hành chính – Tổng hợp trình bày tham luận


Đại diện Phòng CTHSSV, ThS. Võ Thị Thanh Thảo, Phó Trưởng phòng, trình bày bài tham luận “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý sinh viên”, bài báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giúp quản lý sinh viên hiệu quả, nhanh chóng và thuận tiện, giúp các báo cáo thống kê nhanh chóng, chính xác: Thiết kế và xây dựng một số chức năng hỗ trợ và quản lý sinh viên trên giao diện smartphone như quản lý thông tin, quản lý các hoạt động phong trào tính điểm rèn luyện, quản lý điểm danh, phát và nhận thông báo, gửi thắc mắc và kiến nghị…

 

Đại diện Phòng CTHSSV, ThS. Võ Thị Thanh Thảo, Phó Trưởng phòng, trình bày bài tham luận


Đầu tư cơ sở vật chất như hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền kết nối internet mạnh, website hệ thống E-learning; Tăng cường tập huấn cho Giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý về phương pháp, kỹ năng sử dụng E-learning; Giảng viên nên tăng cường ghi hình bài giảng đưa lên hệ thông E-learning nhằm phục vụ học tập cho sinh viên… là những đề xuất trong bài tham luận “Ứng dụng CMCN 4.0 trong đào tạo trực tuyến (hệ thống E-learning) tại UD-CK) do ThS. Nguyễn Việt Tuấn, Phó Trưởng phòng Đào tạo trình bày.

 

ThS. Nguyễn Việt Tuấn, Phó Trưởng phòng Đào tạo trình bày tham luận


Về phía các khoa, cũng đem đến các bài tham luận quan trọng và cần thiết như “Tác động của CMCN4.0 đến công tác giảng dạy khối ngành Kinh tế” của Khoa Kinh tế; “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thích ứng với CMCN 4.0” của Khoa Sư phạm – Dự bị Đại học; “Đào tạo nguồn nhân lực các ngành kỹ thuật trong cuộc CMCN 4.0” của khoa Kỹ thuật – Nông Nghiệp cũng đã nhấn mạnh về việc đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy là điều rất cần thiết. Có thể từng bước áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật như thảo luận nhóm, sử dụng các tình huống có vấn đền, dạy theo góc… cùng các công cụ hỗ trợ như Edomodo, kahoot, Youtube, các hình thức dạy trực tuyến… Điều này cũng đặt ra yêu cầu mỗi giảng viên phải kiên trì, nỗ lực và tâm huyết nhiều hơn nữa. Đặc biệt phải luôn trong tâm thế chủ động và tự tin để đón nhận cuộc CMCN 4.0 một cách hiệu quả và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng này vào trong hoạt động giảng dạy. 

 

Đại diện các khoa trình bày tham luận


Tổng kết hội nghị, PGS. TS Đặng Văn Mỹ một lần nữa nói về những thách thức mà cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho môi trường giáo dục hiện nay. Bên cạnh đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới và cập nhật liên tục phương pháp giảng dạy, quản lý, đào tạo thì chi phí vận hành cũng là một phần cần phải có để thực hiện được những đổi mới này. Do đó, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ dạy và học trong tương lai, hòa nhập với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0  và với tình hình phát triển của Nhà trường cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các phòng ban, giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với nhà trường về mọi mặt để cùng nhau xây dựng một môi trường học tập hoàn thiện và lý tưởng.
 

Một số hình ảnh tại hội nghị: