UD-CK
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, gia đình gặp nhiều khó khăn, lại là dân tộc thiểu số nên con đường đi tìm “con chữ” của Y Thương không ít gập ghềnh. Nhưng không vì thế mà em chấp nhận bỏ học lấy chồng hay về làm rẫy như bao bạn bè trang lứa. Đáp lại những nỗ lực và cố gắng của em, bằng khen của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dành cho Y Thương vì thành tích tiêu biểu trong học tập là hoàn toàn xứng đáng.

Y Thương lớp K12, ngành Kinh tế phát triển

Giấc mơ trở thành cán bộ xã


Y Thương là người dân tộc Rơ Măm - một dân tộc ít người và chỉ cư trú chính tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, kinh tế phụ thuộc vào hoàn toàn vào những vụ lúa, mì với sản lượng hàng năm rất ít ỏi. Anh trai Y Thương cũng đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Vì thế, Y Thương luôn ý thức được rằng nếu không chăm chỉ học hành, em cũng sẽ không thoát được cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường Y Thương luôn nỗ lực không ngừng, phấn đấu có được thành tích học tập tốt nhất.


Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Y Thương quyết định ra học tập tại trường THPT nội trú của Tỉnh Kon Tum. Cuộc sống xa nhà gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không làm nản chí cô trò nhỏ. Bằng nghị lực của bản thân, cùng sự sẻ chia, động viên từ bạn bè, thầy cô, 3 năm liền Y Thương là học sinh tiêu biểu của nhà trường, nhận những suất học bổng vượt khó và luôn đạt thành tích cao trong học tập.


Năm học 2018-2019, Y Thương chính thức trở thành Tân sinh viên Khóa K12 của Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, ngành Kinh tế phát triển. Chia sẻ về lý do chọn ngành học này, Y Thương cười bẽn lẽn “Em chỉ muốn sau này về làm ở xã thôi”. Trong suy nghĩ của cô gái nhỏ ấy, học Đại học không phải để trở thành “ông nọ, bà kia” mà đơn giản là có cơ hội được trở về phục vụ, giúp đỡ và chia sẻ với chính bà con làng quê mình, nơi đã nuôi em khôn lớn và trưởng thành.


Kể về hành trình đến giảng đường của mình, Y Thương ngập ngừng nhớ về những lần có ý định xin bố mẹ nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt nơi thành phố. Không ít lần cô gái ấy đã quyết định khăn gói về nhà, không muốn trở lại thành phố nữa. Nhưng nhìn thấy sự vất vả của bố mẹ, sự thiếu trước hụt sau khi phải tính chi tiêu hằng ngày, Y Thương lại quyết tâm hơn.

 


Hiện tại, dù mỗi tháng gia đình chỉ gửi cho 1 triệu đồng/tháng để chi tiêu nhưng Y Thương vẫn cố gắng chắt bóp, vào những ngày cuối tuần em lại đi làm thêm ở những tiệc cưới, nhà hàng để có thêm ít tiền tiết kiệm. 


Được nhận bằng khen của của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc


Cũng trong năm học 2018-2019, bên cạnh niềm vui được đặt chân vào cổng trường Đại học, Y Thương còn vinh dự trở thành sinh viên tiêu biểu đại diện cho tỉnh nhà nhận bằng khen dành cho những học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc ký nhận.


Y Thương được mời ra Hà Nội dự buổi lễ tuyên dương, tuy nhiên cô gái nhỏ ấy đã không kịp giờ lên chuyến bay chỉ vì không muốn bỏ lỡ một buổi học trên giảng đường.


Tiếc nuối là cảm giác tràn ngập trong suy nghĩ của Y Thương hôm ấy. Một phần là không được nhận giải thưởng, một phần là “vuột mất” cơ hội được ra thăm thủ đô Hà Nội – Nơi mà Thương đã ao ước bao lần được đi nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được. Tưởng rằng không còn cơ hội để chạm tay đến giải thưởng ấy thì bất ngờ một ngày đầu tháng 10/2019, những người làm chương trình tuyên dương những học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu đã lặn lội từ Hà Nội vào trao tận tay phần thưởng cho cô sinh viên người dân tộc Rơ Măm.


Dù muộn 1 năm mới nhận được phần thưởng nhưng Thương rất vui và hạnh phúc. Trong ngày vui ấy, Y Thương đã mời ba mẹ lần đầu tiên đến thăm nơi em học tập và cùng chia sẻ niềm vui.


Để ra thăm con, bố mẹ em đã phải thức dậy từ 4h sáng, với chiếc xe máy cũ vượt qua quãng đường đồi núi, sạt lở gần 200 cây số. Dù đi đường xa mệt mỏi nhưng được tận mắt thấy nơi con học hành khang trang, hiện đại, chứng kiện sự thân thiện, cởi mở của các thầy cô và các bạn dành cho con mình, cô Y Đer - mẹ của Y Thương – không khỏi vui mừng. 

 

Cô Y Đer - mẹ của Y Thương 


Có lẽ do vất vả từ nhỏ, quanh năm với ruộng vườn nên cô trông già hơn cái tuổi 39 nhưng trong đôi mắt ấy khi nhìn thấy sự trưởng thành của con không giấu được sự tự hào, xen lẫn xúc động. “Bố mẹ đã không có cơ hội được học hành nhưng không muốn con mình cũng thất học. Dù khó khăn đến mấy cũng động viên con phải theo học cho nên người”, cô tâm sự.


Không phụ niềm tin và sự hy sinh của bố mẹ, từ khi là sinh viên của Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, Y Thương luôn là một trong những sinh viên nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường, thành tích học tập đạt loại Khá và dành được nhiều suất học bổng dành cho sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích học tập tốt.

 


Ngày được cầm trên tay phần thưởng và bằng khen của Bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban dân tộc, Thương đã không ngần ngại đăng tấm hình hai mẹ con cười hạnh phúc lên trang cá nhân cùng lời chia sẻ rất thật lòng “Đôi khi cảm thấy mỏi mệt chán chường, nghĩ đến cha mẹ đang vì tôi mà cố gắng . Đấy là động lực to lớn để Tôi phải tiếp tục đi tiếp con đường mình đã chọn”.


Y Thương đã bước sang năm thứ 02 Đại học, con đường thực hiện hóa giấc mơ của em đã gần đến đích. Hy vọng với sự nỗ lực của bản thân em cùng sự tâm huyết của các thầy cô nơi giảng đường của UD-CK sẽ giúp em gặt hái được nhiều hơn nữa thành công phía trước và trở thành người có ích cho xã hội, cho chính những người dân quê em như điều em mong muốn.