UD-CK
Tây Nguyên là vùng có nhiều lợi thế so sánh về cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su và cây công nghiệp hàng năm như mía, mỳ. Sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhất định góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên việc phát triển sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản chính vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Nhằm tìm ra giải pháp để khai thác giá trị tăng thêm cho các loại nông sản chính trên địa bàn Tây Nguyên đồng thời tiến hành trao đổi, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý nhà nước để hoàn thiện nghiên cứu, sáng ngày 2/11, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tổ chức Hội thảo kho học năm 2017 với chủ đề “Nghiên cứu thiết lập chuỗi giá trị các loại nông sản chính và giải pháp khai thác giá trị tăng thêm trên địa bàn Tây Nguyên”.


Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Kon Tum, đại diện các Sở Kế hoạch và đầu tư, đại diện Sở Khoa học và công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum có PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Phân hiệu tham dự.


PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập chuỗi giá trị các loại nông sản chính ở Tây Nguyên, sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên còn rời rạc; mối liên kết giữa các tác nhân còn lỏng lẽo. PGS.TS. Đặng Văn Mỹ khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là diễn đàn cho phép các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách thảo luận, phản ánh thực trạng sản xuất và tiêu thụ các nông sản chính cũng như thiết lập chuỗi giá trị nông sản chính và đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn Tây Nguyên.

Các báo cáo tham luận đều tập trung vào tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản như cà phê, cao su, tiêu, mỳ và mía. Ngoài ra, báo cáo cũng trình bày vai trò của ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho các tác nhân trong chuỗi và toàn chuỗi. Từ đó, nghiên cứu đều đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm khai thác giá trị tăng thêm cho các sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên.


ThS. Phan Thị Thanh Trúc, báo cáo tham luận

 Các báo cáo tham luận đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận nhằm làm rõ hơn những vấn đề, những nhận định của tác giả. Một số vấn đề được các đại biểu quan tâm và thảo luận như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản trên địa bàn; tác nhân nào giữ vai trò quyết định và tác nhân nào dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi giá trị nông sản…


Ông Nguyễn Đình Bắc, phó Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư

Bên cạnh đó, đại diện các Sở ban ngành tỉnh cũng đưa ra các ý kiến đóng góp quý báu như nên chi tiết hơn các tác nhân trong chuỗi giá trị, chỉ rõ vai trò của nhà nước trong chuỗi, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Mỹ đã gợi ý những hướng nghiên cứu mới cho nhóm nghiên cứu như mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, dự báo thị trường, chỉ rõ ra vai trò của nhà nước và phân tích môi trường vĩ mô, nghiên cứu định lượng sự thay đổi  về giá tác động như thế nào đến giá trị gia tăng thuần của từng tác nhân trong chuỗi giá trị và toàn chuỗi, xây dựng thương hiệu. PGS.TS. Đặng Văn Mỹ còn nhấn mạnh mối liên kết giữa nhà khoa học với nhà chính sách đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tăng cường chặt chẽ mối quan hệ giữa trường đại học với các cơ quan ban ngành, đặc biệt Sở Nông nghiệp và PTNT, sở Công thương…trong việc thực hiện các nghiên cứu, đề tài về kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.