UD-CK
Sáng 29/11, tại Hội trường C, Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, Hội nghị Quản lý và đào tạo sinh viên người Dân tộc thiểu số (DTTS) đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến thảo luận quan trọng, cần thiết trong việc nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần và tri thức cho cộng đồng người DTTS, đặc biệt là các sinh viên người DTTS tại khu vực Tây Nguyên nói chung cũng như ở tỉnh Kon Tum – Gia Lai nói riêng.

Hội nghị được UD-CK tổ chức nhằm xác định mục tiêu, nội dung và phương thức đào tạo cho đối tượng người DTTS trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời giúp tổng kết và đánh giá công tác đào tạo và quản lý sinh viên đối tượng người DTTS trong những năm vừa qua. Hội nghị lần này vừa thể hiện sự quan tâm, vừa nêu rõ tinh thần trách nhiệm của Nhà trường đối với việc thúc đẩy các chương trình đào tạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ nguồn lao động chất lượng cao là đối tượng DTTS. 

 

Văn nghệ chào mừng hội nghị


Về tham dự hội nghị có ông Y Dẫn Ê Ban – Phó vụ trưởng vụ địa phương II; TS Nguyễn Thị Bích Thu – Phó trưởng phòng đào tạo Học viện dân tộc; Bà Đinh Thị Lan – PGĐ Sở Giáo dục và đào tạo Tỉnh Kon Tum; Ông U Minh Nam – Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Kon Tum; Bà Đoàn Thị Thường – Phó chủ tịch thường trực hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum. Hội nghị còn có sự góp mặt của các đại biểu là đại diện lãnh đạo các huyện, TP. Kon Tum; Lãnh đạo các Trường THPT Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Đoàn đại biểu tham gia hội nghị


Về phía Nhà trường có Ban Giám đốc cùng đại diện các phòng ban. Bên cạnh đó là sự có mặt của hơn 200 sinh viên là DTTS đang học tập tại UD-CK.


Mở đầu hội nghị, Giám đốc Phân hiệu đã có báo cáo về công tác quản lý và đào tạo sinh viên người đồng bào DTTS tại UD-CK trong 12 năm qua. Báo cáo nêu rõ trong tổng số gần 5.000 sinh viên Đại học Hệ chính quy của 13 khóa tuyển sinh thì sinh viên DTTS chiếm 15,2%. Trong đó, dân tộc Xơ Đăng chiếm 45% sinh viên, còn lại là các dân tộc khác như Ba Na, Gia Rai, Giẻ, Tày, Nùng, Mường, Thái, Hre, Ê Đê, Brâu, Rơ Mâm… Đa số các bạn sinh viên DTTS đều chọn theo học các ngành thuộc Khối Kinh tế - Quản lý và Kỹ thuật – Nông nghiệp, rất ít sinh viên theo học các ngành thuộc khối Sư phạm – Luật.

 

Sinh viên tham gia hội nghị là người đồng bào dân tộc thiểu số


Trong quá trình học tập, tỷ lệ sinh viên có kết quả xuất sắc, giỏi chiếm 6.6%; tỷ lệ sinh viên có kết quả khá, trung bình là 60.5%. Với 9 khóa đã tốt nghiệp ra trường thì có hơn 170 sinh viên DTTS tốt nghiệp đúng hạn và tỷ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường chiếm 84.6%. Các bạn chủ yếu làm việc tại các cơ quan hành chính quản lý nhà nước tại các địa phương của Tỉnh Kon Tum, Gia Lai, một số bạn làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân hoặc tự lập nghiệp. Trong số các sinh viên có việc làm thì có đến 95.3% làm việc đúng chuyên ngành.  Điều đó cho thấy hầu hết các sinh viên là đối tượng DTTS sau khi ra trường đều tìm được những việc làm phù hợp với chuyên môn, áp dụng được những kiến thức đã được đào tạo từ nhà trường.

 

Toàn cảnh hội nghị


Về việc thực hiện chế độ chính sách dành cho sinh viên DTTS, Nhà trường đã thực hiện công khai, dân chủ theo các Nghị định và Quyết định của Chính phủ bao gồm học bổng khuyến khích học tập, miễm giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp xã hội và vay tín dụng cho sinh viên… Ngoài ra, Nhà trường cũng phối hợp với các Sở, ngành, doanh nghiệp tại địa phương thực hiện chế độ học bổng chính sách cho sinh viên cử tuyển theo đúng quy định của Nhà nước.


Trong bài báo cáo, Giám đốc Phân hiệu cũng đưa ra một số đề xuất trong công tác quản lý và đào tạo sinh viên người đồng bào DTTS đối với chính quyền, địa phương như quan tâm đến công tác đào tạo cử tuyển và bố trí việc làm sau khi ra trường; Hỗ trợ học bổng, kinh phí đào tạo đối với học sinh, sinh viên là người DTTS học tập tại các trường đào tạo công lập; có chính sách đào tạo, sử dụng học sinh, sinh viên người DTTS sau khi ra tốt nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hướng nghiệp ngay từ khi còn học THPT. Xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên DTTS khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân tại nơi sinh sống, gắn với điều kiện cụ thể, hướng phát triển kinh tế của mỗi địa phương.

 

TS Nguyễn Thị Bích Thu, Phó trưởng phòng đào tạo Học viện Dân tộc chia sẻ


Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Thị Bích Thu, Phó trưởng phòng đào tạo Học viện Dân tộc chia sẻ rằng kinh tế của tỉnh Kon Tum so với các tỉnh trong khu vực còn phát triển chậm, do đó trong tương lai rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đồng bào DTTS cũng là đội ngũ nguồn nhân lực chủ chốt cần được quan tâm và chú trọng phát triển. Đối với các sinh viên là người DTTS thì làm việc tại địa phương là môi trường phù hợp và có điều kiện nhất. Bởi vì các em hiểu được các tập quán, sinh hoạt của dân tộc, địa phương mình. Vì vậy, Nhà trường cần kết nối với Ủy ban dân tộc, UBND Tỉnh và các huyện để đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực là sinh viên DTTS, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng thay thế trong hệ thống chính trị. Trong cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức cũng cần có những quy định rõ ràng, không cạnh tranh với những đối tượng khác để tạo thêm cơ hội việc làm cho người đồng bào DTTS. 


Điều quan trọng mà TS Nguyễn Thị Bích Thu nhấn mạnh là ngay từ khâu tuyển sinh, các trường THPT và Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum phải định hướng cho các em lựa chọn được những công việc phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Trong quá trình đào tạo, cũng cần chú trọng hơn trong việc nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên DTTS để các bạn giao tiếp tự tin hơn, năng động hơn như tổ chức các cuộc thi về văn hóa – văn nghệ - thể thao, cuộc thì tài năng về kinh doanh, khởi nghiệp, tổ chức các chương trình kỷ niệm của các DTTS như Ngày hội DTTS, Ngày hội đoàn kết toàn dân…

 

Sinh viên Y Thương, dân tộc Rơ Mâm – sinh viên ngành Kinh tế phát triển chia sẻ


Bạn Y Thương, dân tộc Rơ Mâm – sinh viên ngành Kinh tế phát triển, cũng là 1 trong 120 sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc được nhận bằng khen của Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc năm 2018, đã có những chia sẻ xúc động tại Hội nghị “Từ nhỏ em đã theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Chính vì gia đình quá khó khăn nên em đã sớm nhận thức được chỉ có con đường duy nhất để thoát khỏi cái nghèo, cái khó chính là phải nỗ lực và không ngừng cố gắng học tập. Em muốn mình phải có sự tự tập, có công việc ổn định để giúp đỡ ba mẹ và các em của mình.” Thương cũng hy vọng rằng trên con đường đi tìm “con chữ” của mình và đông đảo các bạn sinh viên DTTS đang học tập tại UD-CK luôn có sự hỗ trợ, chia sẻ, quan tâm của cơ quan, mạnh thường quân để các bạn hoàn thành được con đường học vẫn, không phải bỏ học giữa chừng, có thể hướng đến một tương lai tươi sáng phía trước.


Sang phần thảo luận, Hội nghị nhận được nhiều chia sẻ của các đại diện đến từ lãnh đạo của các huyện, các trường THPT Dân tộc nội trú. Trong đó các ý kiến nhấn mạnh về việc cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình, hoạt động, trải nghiệm thực tế để các bạn sinh viên có cơ hội tham quan, học tập tại các doanh nghiệp, đơn vị. Đặc biệt là tại các cơ quan hành chính địa phương. Tổ chức các chương trình ngoại khóa để sinh viên DTTS tự tin, năng động và có được thêm những kỹ năng mềm cần thiết như làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện. Một số ý kiến góp ý Nhà trường cần thực hiện các khảo sát nhu cầu việc làm, tuyển dụng của các địa phương đối với đối tượng đồng bào DTTS để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp, giúp các em sau khi ra trường dễ dàng tìm được những vị trí việc làm ổn định. Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cũng khuyến khích các em sinh viên DTTS là nữ luôn nỗ lực, cố gắng trong học tập, tham gia nhiều các phong trào, hoạt động để sau này có thể tự lập nghiệp hoặc có những vị trí việc làm phù hợp, ổn định, vừa làm tốt việc nước, vừa đảm đang được việc nhà, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến thảo luận


Bên cạnh đó, khuyến khích các em tự khởi cũng được nhiều đại biểu tán thành vì nhiều em DTTS có tay nghề làm các hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống. Có thể dựa vào những thế mạnh này để phát triển làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho bản thân và mọi người…UD-CK cũng tổ chức nhiều cuộc thi hoạt động để sinh viên tham gia, phát huy năng lực, tài năng của bản thân.

 

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến thảo luận


Ông Y Dẫn Y Ban, Phó vụ trưởng vụ địa phương II cũng có những chia sẻ tại Hội nghị rằng hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là DTTS. Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về vấn đề đào tạo, bố trí việc làm và những chính sách đối với người DTTS, tạo điều kiện tốt nhất để các em học sinh DTTS có thể đến trường, thực hiện những giấc mơ của bản thân. Ông hy vọng rằng các em sinh viên đang học tại UD-CK nỗ lực nhiều hơn nữa, không ngừng phấn đấu, cố gắng để trở thành những người trẻ tiên phong mang sức mình góp phần dựng xây quê hương, đất nước.


Tổng kết hội nghị, Giám đốc Phân hiệu đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, đồng thời ghi nhận và đánh giá lại những chia sẻ của các đại biểu để xây dựng những định hướng mới cho Nhà trường trong thời gian tới trong việc đào tạo và quản lý sinh viên người đồng bào DTTS. Nhà trường sẽ kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị, ban ngành trên địa bàn để xây dựng các chương trình tuyển sinh và đào tạo phù hợp, tạo môi trường học tập tốt nhất, hoàn thiện nhất cho các em sinh viên DTTS.