UD-CK
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc. WHO cũng đã chính thức đưa ra thông báo dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tính đến 7h30 ngày 31/1, thế giới có 9.480 người đã nhiễm virus corona, 213 người Trung Quốc tử vong. 



Theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế thì hiện tại đã có người Việt Nam nhiệm virus Corona và những người này đã tiếp xúc qua với rất nhiều người. Do đó, NGAY LÚC NÀY, CÁC UD-CKER HÃY LUÔN CẨN THẬN TRƯỚC NHỮNG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CỦA DỊCH BỆNH.


Bài viết dưới đầy sẽ cung cấp đầy đủ hơn về virus corona, nguồn lây, tỷ lệ tử vong cũng như cách phòng bệnh hiệu quả để mọi người cũng nắm bắt và chia sẻ rộng rãi nhằm phòng tránh dịch bệnh hiệu quả.
Chủng coronavirus là gì?

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), corona virus là một họ virus lớn, thường gây cảm lạnh và các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Loại virus lạ gây nên những trường hợp tử vong ở Trung Quốc là một chủng coronavirus mới, chưa từng được tìm thấy ở người trước đây (được WHO đặt tên là 2019-nCoV).

 

 

 

Hiện nay chưa rõ virus corona mới xuất hiện từ đâu nhưng các loại coronavirus như vậy thường bắt nguồn từ động vật (vật chủ). 

 

Lý do cho sự gia tăng đột ngột các trường hợp bị nhiễm virus lạ?


Trước đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán báo cáo không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người. Do đó, mọi người ở thành phố này chưa có sự chuẩn bị, chủ quan về khả năng lây nhiễm bệnh. 

 

Tuy nhiên, sau đó bệnh dịch bắt đầu lây truyền từ người sang người một cách rõ rệt. Cho đến hiện tại đã có trên 200 trường hợp tử vong và gần 10.000 người nhiễm bệnh và con số này vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

 

Tỷ lệ tử vong của virus corona có cao không?


GS.TS Sazaly Abu Bakar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Bệnh truyền nhiễm, Đại học Malaya, Malaysia (TIDREC)  cho biết, không giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona (2019-nCoV) có tỷ lệ tử vong (CFR) khá thấp. Theo đó, CFR của virus corona khoảng 3%. Chỉ số CFR của 2019-nCoV hiện tại dường như ít động lực hơn, ngoại trừ người già và người có bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Nếu theo con số ước tính của giáo sư Sazaly, tỷ lệ phục hồi lên tới 97%. 


Tuy nhiên, GS Sazly nhấn mạnh virus có thể lây lan trước khi các triệu chứng xuất hiện khiến bệnh khó ngăn chặn, vì vậy nên tiếp tục tăng cường biện pháp phòng ngừa.

 

 


Các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus corona là gì?


Theo Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, những biểu hiện lâm sàng của việc nhiễm trùng loại virus lạ này bao gồm:
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Các triệu chứng hô hấp, ho khan, khó thở, hội chứng suy hô hấp cấp.
- Sốc nhiễm trùng.
- Thậm chí là nhiễm toan chuyển hóa và rối loạn đông máu. 

 

Một số bệnh nhân có triệu chứng khởi phát nhẹ mà không sốt. Hầu hết bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn có sức khỏe tốt, chỉ một số ít bệnh nhân bị nặng và thậm chí tử vong.

 

Các con đường lây lan?


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số loại coronavirus có thể truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.  Ngoài ra, các con đường lây nhiễm chính của loại virus mới này có thể bao gồm:
- Việc tiếp xúc với các loại dịch (nước mũi, nước bọt, dịch mụn nước…).
- Đường hô hấp.


Bên cạnh đó việc sử dụng chung các vật dụng với người bị nhiềm virus, tiếp xúc với những động vật hoang có nguy cơ nhiễm bệnh cũng làm tăng khả năng nhiễm bệnh…

 

Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân nhiễm virus corona, nên làm gì?


Khi nghi ngờ tiếp xúc với người có thể nhiễm virus corona, trong thời gian cách ly, bạn không nên tiếp xúc với những người xung quanh.


Người đang cách ly cần hạn chế đến mức thấp nhất việc đi ra ngoài cộng đồng. Nếu tiếp xúc với người khác, người đang cách ly luôn luôn phải mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.


14 ngày tự cách ly là thời gian bạn phải theo dõi kỹ tất cả dấu hiệu bất thường của cơ thể. Nếu phát hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, chảy máu mũi, đau họng, đau đầu… phải lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, cách ly, điều trị kịp thời để tránh lây lan virus ra cộng đồng.

 

 

 

Bệnh nhân bị nhiễm virus corona được điều trị như thế nào?


Tại cơ sở y tế, bạn sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm (dịch ngoáy họng, mẫu máu) để gửi xét nghiệm. Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV sẽ được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc, Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực Miền Trung và Viện Pasteur TP.HCM đối với các tỉnh khu vực phía Nam.


Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh có thể tiếp tục cách ly cho đến khi hết thời gian ủ bệnh. Nếu không có dấu hiệu bất thường, người dân có thể trở về sinh hoạt tại cộng đồng.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể đối với các bệnh do coronavirus mới gây ra. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng có thể được kiểm soát, vì vậy bệnh nhân cần được điều trị theo tình hình lâm sàng. 
Virus rất nhạy cảm với nhiệt. Việc phun 75% cồn, chất khử trùng có chứa clo, chất khử trùng hydroperoxide, chloroform và các dung môi lipid khác trong 30 phút ở 56 độ C, có thể vô hiệu hóa virus.

 

Làm thế nào giúp có thể bảo vệ bản thân?


Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.
- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

 

 

* Những người từ Trung Quốc trở về
- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

 

 

* Những người đến Trung Quốc
- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.
- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

 

 

Sử dụng khẩu trang đúng cách
- Khi ho/hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cuộn tròn và vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.
- Khi sử dụng khẩu trang, đảm bảo khẩu trang che kín miệng và mũi - và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.
- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
- Khẩu trang phẫu thuật y tế có thể ngăn chặn 70% vi khuẩn. Khẩu trang N95 có thể ngăn chặn 95% vi khuẩn, có thể được sử dụng để bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.

 

Số điện thoại đường dây nóng: Hãy gọi số 19003228 để cung cấp các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh.