UD-CK
Nhiều sinh viên của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đều có xuất thân từ những vùng quê còn nhiều khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm nông, buôn bán nhỏ lẻ của bố mẹ; Một số bạn lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với ông bà, người thân… Do đó, trong thời gian dịch bệnh Covid -19 bùng phát vừa qua đã làm xáo trộn rất nhiều đến sinh hoạt, thu nhập của gia đình các em. Một số em phải đi làm thuê, làm mướn, gia đình phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống.


Hiểu được những khó khăn, vất vả ấy của sinh viên, ngay khi các em trở lại học tập sau hơn 4 tháng nghỉ học, Công đoàn và Nhà trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tài chính kịp thời cho những sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhằm san sẻ và giúp các em giảm bớt những gánh nặng về tài chính, có thể yên tâm học tập, không phải đối mặt với nỗi lo thất học.


“Mừng quá, mẹ không phải đi vay tiền gửi cho em nữa”


Trước khi đón sinh viên quay trở lại trường học, CBVC, người lao động của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã cùng nhau đóng góp một ngày lương, tạo nên nguồn quỹ hỗ trợ, san sẻ cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 


Khi biết tin mình được nhận hỗ trợ từ Công đoàn, em Trương Thị Hồng – Lớp K12LK2 rất vui “Em mừng lắm, vì thật sự đã hết tiền tiêu rồi nên mẹ đang định đi vay để gửi cho em”, Hồng kể, ngày quay lại trường học, mẹ chỉ kịp dúi vào tay em 500 ngàn cùng lời dặn cố gắng học tập. Hồng cũng đã đi tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải nhưng hiện tại hàng quán chưa mở nhiều nên vẫn chưa tìm được việc nên đành phải xin thêm tiền sinh hoạt từ gia đình.


Gia đình Hồng là dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Sa Thầy (Kon Tum). Thu nhập của gia đình em chỉ trông chờ vào những vụ sắn, khoai, ngô mà ba mẹ em tần tảo quanh năm trồng trọt. Nhưng năm nào cũng thất thu do hạn hán, sâu bệnh nên đợt nghỉ vì dịch bệnh, Hồng và em thường phải đi làm thuê, đổi công cho người khác để phụ mẹ lo chi phí sinh hoạt. Không may, mới đây vợ chồng chị gái của Hồng bị tai nạn giao thông khiến người chị bị gãy chân, người anh có nguy cơ tàn phế, khó khăn lại chồng chất thêm. Thời điểm ấy, Hồng đã có suy nghĩ sẽ nghỉ học đi làm thuê hay làm công nhân nhưng khi nhận thông báo hỗ trợ từ Nhà trường, Hồng đã tự tin để quay lại giảng đường.


Ngoài tiền hỗ trợ từ Công đoàn, Nhà trường cũng quyết định giảm 5% học phí, chia làm 2 đợt đóng và giảm 25% phí ký túc xá cho tất cả sinh viên, có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên thuộc hộ nghèo/cận nghèo, sinh viên thuộc các nhóm đối tượng như mồ côi, gian đình mất/giảm thu nhập do dịch bệnh... Điều này đã giúp Hồng bớt lo hơn, em có thể tự đi làm thêm tích cóp tiền để đóng học phí và sinh hoạt, bớt đi lo toan cho mẹ ở nhà. 

 


Em Nguyễn Thị Thu Uyên – Lớp K12LK2 lại có hoàn cảnh éo le hơn khi mất mẹ từ lúc 2 tuổi, bố cũng bỏ đi. Bà ngoại bán quán nước nuôi hai chị em Uyên từ nhỏ. Thu nhập đã ít, còn phải thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, bà không thể đi bán được. Không có thu nhập, cả 3 bà cháu phải trông chờ vào đông lương ít ỏi của người cậu đi lái máy xúc thuê.


Không gục ngã trước nghịch cảnh, Uyên rất nỗ lực trong học tập, học kỳ nào cũng dành được học bổng khuyến khích học tập với điểm trung bình từ 3.2 trở lên. Uyên cũng may mắn thường xuyên nhận được những học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Tất cả những số tiền học bổng nhận được, ngoài dành đóng học phí, mua tài liệu Uyên đều đưa hết cho bà ngoại, với mong mỏi giúp bà giảm bớt gánh nặng mưu sinh khi tuổi ngày càng cao.


Hiểu được hoàn cảnh của em, Phòng công tác sinh viên đã đề nghị em làm đơn để được nhận các khoản hỗ trợ của Nhà trường dành cho sinh viên mồ côi, hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh covid-19. Uyên tâm sự, những chia sẻ về vật chất đối với em lúc này đều rất đáng quý, em rất trân trọng vì nó làm cho niềm tin của em vào ngày mai càng thêm vững vàng hơn, những hy sinh của bà, sự nỗ lực của em là không lãng phí.


Động lực để các em nỗ lực hơn trong học tập


Gia đình của em Nguyễn Hoàng Thanh Thúy – Lớp K10KT thuộc diện hộ cận nghèo, ba em bị tâm thần phân liệt phải dùng thuốc liên tục, mẹ làm thợ may, thường chỉ nhận đồ về ráp nên thu nhập rất bấp bênh. Sau mỗi giờ học Thúy thường phụ thêm bà ngoại nhận vải thừa về may quai nón. Đợt dịch vừa qua, khách đặt may ít nên thu nhập gần như bị cắt, mọi chi tiêu phải hạn chế đến mức thấp nhất.


Thúy có một người em gái sinh đôi hiện đang học ở Gia Lai. Thúy tâm sự, lúc hết cấp 3 hai chị em định nghỉ học ở nhà phụ mẹ nhưng mọi người đều động viên chúng em phải cố gắng học tiếp, phải có kiến thức, nghề nghiệp ổn định thì mới giúp đỡ bố mẹ được. Vì thế, hai chị em lại tiếp tục nỗ lực và cố gắng. Bảng điểm học tập luôn trên 3.5, suốt 4 năm liền đều nhận được học bổng học tập là những thành quả mà Thúy xứng đáng nhận được từ sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân. Không chỉ vậy, Thúy còn được nhận học bổng thắp sáng ước mơ do báo Tuổi trẻ tổ chức, học bổng Mê Kông, học bổng của các doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên khó khăn… do Nhà trường giới thiệu, đề xuất.

 


Đồng hành trên con đường chạm vào giấc mơ ấy của cô sinh viên giàu nghị lực là những hỗ trợ kịp thời từ Nhà trường, đã tạo động lực rất lớn để em tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường đi đến thành công của bản thân. Thúy chia sẻ, số tiền em nhận được từ nhà trường đã giúp đỡ gia đình em rất nhiều, mẹ và bà không phải thức khuya để may đồ, hai chị em có thể yên tâm học tập. “Những điều em nhận được khi học tập tại UDCK sẽ để lại cho em những kỷ niệm rất đẹp, sau này khi ra trường rồi em sẽ không bao giờ quên được, là nguồn động viên để em cố gắng nhiều hơn nữa vì tương lai của bản thân và gia đình”, Thúy bộc bạch.


Đó cũng chính là những suy nghĩ của em Đoàn Thị Hòa, Lớp K11LK2. Ba mất từ 6 năm trước, các chị lớn đi lấy chồng xa, cuộc sống còn khó khăn nên không hỗ trợ gia đình được nhiều. Gia đình chỉ còn hai mẹ con nên cũng không còn thuộc diện cận nghèo. Không muốn con gái út dang dở giấc mơ trên giảng đường, một mình mẹ lại tần tảo sớm hôm bươn chải bên những nia cá nơi chợ quê, kiếm ít tiền lời với mong mỏi con sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Mùa dịch vừa qua nguồn thu nhập bị giảm mạnh, hai mẹ con cố gắng tận dụng những thực phẩm có sẵn trong vườn để vượt qua thời gian cách ly. Nhưng không vì thế làm nhụt đi ý chí của Hòa.


Đáp lại công ơn nuôi dưỡng và sự hy sinh của mẹ, Hòa luôn cố gắng để đạt được thành tích tốt trong học tập. Suốt 3 năm trên giảng đường, học kỳ nào cô gái nhỏ quê Quảng Trị cũng nhận được học bổng học tập, em còn được nhận học bổng từ các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với những “nguồn thu” nhờ nỗ lực của bản thân Hòa có đủ tiền để đóng học phí, tiền ký túc xá. Còn về tiền sinh hoạt hằng ngày, Hòa tiết kiệm nhờ đi làm thêm ở các quán nước, quán ăn… ngoài giờ lên lớp. Trở lại trường sau thời gian nghỉ do dịch bệnh, biết được tin Nhà trường sẽ giảm 5% học phí học kỳ 2 và giảm 25% phí kỳ túc xá, Hòa rất phấn khởi “Em đã dành tiền học bổng đóng tiền học phí và ký túc xá từ trước rồi. Giờ được trả lại một phần em vui lắm vì sẽ có một khoản tiết kiệm nho nhỏ cho những dự định của bản thân”, Hòa bộc bạch. 


Không chỉ học giỏi, Hòa còn rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn, hội của Nhà trường. Thường xuyên nhận được các bằng khen, giấy chứng nhận của các hoạt động như Sứ giả truyền cảm hứng, Hiến máu nhân đạo, Hoạt động đoàn, Khởi nghiệp, Nhật ký Covi… Hòa luôn biết cách cân bằng thời gian cho việc học, làm thêm, tham gia các hoạt động nên cái nào em cũng thực hiện rất nghiêm túc, chỉn chu và có trách nhiệm. Ước mơ theo đuổi ngành Luật vì Hòa muốn trở thành một công chứng viên, trở về đóng góp sức mình cho sự phát triển của vùng quê đã nuôi mình khôn lớn. Chính vì thế, ngoài sự cố gắng, ý chí của bản thân, sự thấu hiểu, sẻ chia của gia đình thì chính nhờ những sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của Nhà trường đã giúp Hòa có thể tự tin đi tiếp hành trình chinh phục giấc mơ, sớm chạm đến thành công.


Hiện tại, dịch covid -19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt nên việc giãn cách xã hội cũng được nới lỏng, người dân đã trở lại làm việc, lao động gần như bình thường. Nhịp sống lại trở về hối hả, tấp nập như vốn có. Đâu đó những hoàn cảnh khó khăn như gia đình của Hòa, Uyên, Thúy… lại tiếp tục chuyến mưu sinh mới, dù nhọc nhằn, vất vả nhưng không không bao giờ để con, cháu từ bỏ tương lai tươi sáng phía trước. Hiểu được nhưng khó khăn của sinh viên, bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum luôn có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời để các em có thể trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. 


Với mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn cũng như không chỉ chia sẻ được gánh nặng về kinh tế mà hỗ trợ các em về thiết bị, tài liệu học tập, nghiên cứu để kết quả học tập chất lượng hơn, Nhà trường hy vọng có sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh Kon Tum để có thể lập nguồn quỹ hỗ trợ cho các em hoặc hỗ trợ trực tiếp cho những em đặc biệt khó khăn, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Sự đồng lòng, chung sức của tất cả những mạnh thường quân phần nào sẽ giúp con đường chạm đến thành công của các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ bớt đi những bấp bênh, gập gềnh và sẽ sớm gặt hái được những thành quả mà cha mẹ, thầy cô đã gửi gắm.