UD-CK
Sáng 22/05, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KH&CN do ĐH Đà Nẵng quản lý đã nghiệm thi 03 đề tài nghiên cứu của các nhóm tác giả là những giảng viên đến từ Khoa Kinh tế, Khoa Kỹ thuật-Nông nghiệp.

Do lịch công tác, không thể có mặt trực tiếp tại Nhà trường nên PGS. TS Lê Quang Sơn – Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Chủ tịch hội đồng đã chỉ đạo và theo dõi quá trình đánh giá và nghiệm thu các đề tài qua màn hình online.

 


Trong đợt nghiệm thu đề tài lần này, nhóm tác giả là giảng viên Khoa Kinh tế có hai đề tài tham gia: “Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh Kon Tum” do Ths. Nguyễn Thị Hoa làm chủ nhiệm đề tài và “Ứng dụng mô hình quản trị tinh gọn vào các doanh nghiệp sản xuất tại khu vực Tây Nguyên” do Ths. Nguyễn Ngọc Thảo Vy làm chủ nhiệm đề tài.

 

Nhóm tác giả là giảng viên Khoa Kinh tế


Nhóm tác giả là giảng viên Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp có 1 đề tài tham gia: “Nghiên cứu hoạt tính chống oxi hóa của các dẫn xuất 3-hydroxybutanolide và flavonoid glucosides chiết xuất từ cây Lan kim tuyến bằng phương pháp hóa tính toán” do TS. Nguyễn Minh Thông làm chủ nhiệm đề tài.


Chủ nhiệm đề tài đại diện nhóm báo cáo tóm tắt về quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài cũng như mục tiêu của đề tài hướng đến. Hội đồng đánh giá đã lắng nghe và đánh giá cao tính thực tiễn và cấp thiết của cả 03 đề tài cũng như ghi nhận những cố gắng, tìm tòi trong quá trình nghiên cứu, chỉn chu trong việc trình bày, báo cáo của từng nhóm tác giả.


Hiện nay, Kon Tum là một trong năm tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như những lợi thế về vị trí địa lý, tạo điều kiện phát triển về nhiều lĩnh vực, trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang được tỉnh nhà chú trọng. Do đó, những nghiên cứu cụ thể và chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ góp phần giúp Tỉnh Kon Tum có thêm nhiều định hướng, giải phát cho con đường phát triển phía trước. Trong đó, nghiên cứu về thu hút đầu tư tư nhân sẽ giúp tập hợp các giải pháp, chính sách trong thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Hay đề tài về ứng dụng mô hình quản trị tinh gọn vào các doanh nghiệp sản xuất là cơ sở giúp doanh nghiệp nhận diện rõ ràng các loại lãng phí, từ đó giúp nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. Còn đề tài về lĩnh vực công nghệ sinh học của Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp sẽ góp phần tạo ra những hợp chất oxy hóa thân thiện với môi trường và không độc hại với con người ứng dụng trong các lĩnh vực y học, thực phẩm…

 

 


Với những ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng này, trong tương lai các nghiên cứu này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và chuyển giao trực tiếp cho các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân Tỉnh Kon Tum nhằm góp phần thúc đẩy và phát triển nền kinh tế - xã hội.

 


Tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, bên cạnh công tác giảng dạy thì việc nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện các nghiên cứu khoa học và công nghệ của giảng viên luôn được Nhà trường chú trọng đẩy mạnh và phát triển. Hằng năm, có rất nhiều đề tài được thực hiện thông qua các cấp từ cơ sở đến cấp Bộ. Việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KH&CN tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum giúp Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn có uy tín về kinh tế, giáo dục, nông lâm nghiệp, khoa học và kỹ thuật cho khu vực Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông Tây và khu tam giác phát triển.