UD-CK
Là một tỉnh nằm ở Bắc Tây Nguyên với khí hậu nhiệt đới cùng hai mùa rõ rệt đã tạo điều kiện cho hơn 800 loại thực vật là các loại thảo dược, dược liệu quý phát triển ở địa bàn tỉnh Kon Tum như Hồng Đẳng Sâm, Sâm Ngọc Linh, Nấm Linh Chi, Lan Kim Tuyến, Sa Nhân Tím, Bo Bo… Do đó, yêu cầu thực tiễn về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học, dược liệu trong phát triển nông nghiệp và dược liệu phục vụ cho sự phát triển KT-XH được lãnh đạo địa phương chú trọng và quan tâm.

Nhằm mục đích giúp địa phương cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ dược liệu có thêm nhiều hướng đi mới trong sản xuất và ứng dụng nguồn tài nguyên dược liệu tại địa phương, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum đã tổ chức Seminar “Hóa học và vấn đề phát triển dược liệu, môi trường, vật liệu mới”.

 

 

Tham dự chương trình là nhóm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực hóa học, hợp chất thiên nhiên gồm có GS.TS Dương Tuấn Quang - ĐH Huế; GS.TS Đào Hùng Cường – ĐH Sư phạm Đà Nẵng; PGS.TS Phạm Cẩm Nam – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng; TS Trần Đức Mạnh – ĐH Sư phạm Đà Nẵng; TS. Võ Văn Quân – ĐH SPKT Đà Nẵng; TS Hồ Viết Thắng – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng; TS. Phạm Lê Minh Thông – ĐH Duy Tân; TS. Nguyễn Minh Thông – Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

 

Tham gia chương trình còn có ông Đoàn Trọng Đức, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ; ông Bền Chí Thịnh, Công ty Cổ phần Kora Group; Ông Nguyễn Hữu Duy, Công ty CP Sâm và Dược liệu Măng Đen; ThS. Lê Thị Thu Trang, Tổ trưởng Tổ bộ môn CNSH – Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

 

 

 

Mở đầu chương trình, ThS. Nguyễn Tố Như, PGĐ Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum cho biết đây là lần đầu tiên UD-CK tổ chức được một seminar chuyên sâu về lĩnh vực hóa học. Do đó, Nhà trường rất kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương và các thầy cô tại UD-CK có thể tìm ra những định hướng hợp tác, phát triển trong thời gian tới; có thể thực hiện và chuyển giao nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Kon Tum. Đồng thời qua đó cũng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các công trình khoa học công nghệ.

 

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Phạm Cẩm Nam đã giới thiệu về thế mạnh của các thành viên trong nhóm cũng như những công trình NCKH mà nhóm đã thực hiện và được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước từ năm 2016 đến nay. Trong đó có thể đến một số công trình tiêu biểu như tìm kiếm các hợp chất thiên nhiên có hoạt chất kháng virus covid-19; hợp chất flavonoid glycosides từ cây Lan Kim Tuyến; Hợp chất Xanthones trong vỏ quả măng cụt; Hợp chất terpenoids trong Nụ vối; Hợp chất flavonoid trong quả Sa Kê…

 

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc từ thiên nhiên đang trở thành xu thế (80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc dược liệu để chăm sóc sức khỏe), vì thế việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc đang được các nhà khoa học quan tâm. Mặt khác, việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu có tính hiệu quả và an toàn cao, giá trị kinh tế cũng lớn và chi phí sản xuất cũng thấp, giúp mang lại lợi nhuận cao.

 

Từ những triển vọng và xu thế đó, nhóm nghiên cứu đã có những đề xuất định hướng và trao đổi cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Tỉnh Kon Tum ở những khía cạnh như: Xác định thành phần, hàm lượng các hợp chất chiết xuất từ một số dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Sâm dây, Sa Nhân Tím, Lan Kim Tuyến, Sâm Đương Quy, Đinh Lăng, Bo Bo, Nghệ vàng…); Thử nghiệm hoạt tính được học của các chất chiết xuất từ dược liệu; Định hướng phát triển một số sản phẩm từ dược liệu…

 

TS Trần Đức Mạnh – Trưởng khoa Hóa – ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng đã báo cáo về tiềm lực của ĐH Đà Nẵng trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm về dược liệu như đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến dược liệu như: Phát triển mô hình nhân sinh khối tảo xoắn để tạo TPCN; Quy trình nuôi cấy mô các loài cây có giá trị dược liệu (Ba Kích, Nấm Linh Chi…) Quy trình nuôi trồng nấm Vân chi; Chọn tạo giống các cây trông chịu hạn, chịu mặn và năng suất cao… Ngoài ra với trang thiết bị, đội ngũ hiện có của ĐH Sư phạm Đà Nẵng nói riêng và ĐH Đà Nẵng nói chung đáp ứng được công tác triển khai các nghiên cứu các cấp, các đề tài có tính liên ngành và tạo nên các chuỗi sản xuất và giá trị trong thực tiễn nông nghiệp và dược liệu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 

Ông Đoàn Trọng Đức, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ rằng địa phương cũng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, đề án về phát triển nguồn tài nguyên dược liệu của địa phương và đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, do địa phương còn hạn chế về trang thiết bị, nguồn nhân lực cũng như trình độ chuyên môn nên chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 800 loại dược liệu khác nhau nhưng mới gần 30 loại được đưa vào nghiên cứu và chế biến ứng dụng. Do đó, thông qua chương trình, tỉnh Kon Tum cũng mong muốn kết nối với các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về các hợp chất và công dụng của các loại dược liệu của tỉnh Kon Tum; nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hóa dược phẩm, thực phẩm chức năng…

 

GS Đào Hùng Cường – ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về việc cần cập nhật và ứng dụng các công nghệ mới vào việc chiết xuất các hợp từ dược liệu để vừa có giá thành sản xuất thấp mà vẫn đảm bảo về chất lượng nguồn dưỡng chất. GS Đào Hùng Cường cũng đề xuất cần xây dựng bộ tài liệu về nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh (Giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến…), xây dựng cơ sở dữ liệu về dược liệu hay có thể thành lập Viện nghiên cứu dược liệu để huy động nguồn lực sản xuất và phát triển nguồn dược liệu hiện có.

 

 

 

Đại diện doanh nghiệp, ông Bền Chí Thịnh và ông Nguyễn Hữu Duy nói về những trăn trở khi chưa đa dạng được các sản phẩm từ dược liệu. Hiện nay, sản phẩm của Công ty Cổ phần Kora Group và Công ty CP Sâm và Dược liệu Măng Đen đều là những sản phẩm truyền thống như nước uống, rượu sâm, sâm ngâm mật ong, sâm tươi, trà… Do đó, mong muốn của họ là hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu về các hoạt chất của các loại dược liệu, công dụng của chúng để có thể phối hợp sản xuất ra được đa dạng các sản phẩm như mỹ phẩm, thuốc thảo dược, thực phẩm chức năng…

 

Chương trình còn có nhiều thảo luận quan trọng như kết hợp du lịch địa phương với quảng bá sản phẩm đặc trưng, ứng dụng các hoạt chất thiên nhiên thay thế kháng sinh, chất phát quang…

 

Với việc “ngồi lại” giữa các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp tại seminar “Hóa học và vấn đề phát triển dược liệu, môi trường, vật liệu mới” do Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tổ chức được xem là bước mở đầu cho sự kết hợp mới trong tương lai gần nhằm triển khai các chương trình hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và tỉnh Kon Tum, nhằm đưa các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu từ phòng nghiên cứu ra ngoài thị trường, phục vụ đời sống con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.