UD-CK
Tại UDCK, sinh viên sẽ bắt đầu đi kiến tập từ năm thứ 2 với thời gian là 2 tuần. Kỳ kiến tập ngắn này sẽ giúp các bạn bắt đầu làm quen trực tiếp với môi trường thực tế, tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động, cơ chế vận hành của doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan nhà nước… mà sinh viên lựa chọn. Đây chính là những tiền đề rất quan trọng để các bạn bước vào kỳ thực tập năm 3 và năm 4 đạt hiệu quả cao nhất, không còn bỡ ngỡ, lúng túng.

Tọa đàm "Tổng kết kiến tập khối kinh tế năm học 2019 - 2020"

 

Kết thúc năm học 2019-2020, tất cả sinh viên khóa K12 đã hoàn thành chương trình kiến tập năm 2 nên Khoa Kinh tế đã quyết định tổ chức buổi tọa đàm “Tổng kết kiến tập khối ngành Kinh tế năm học 2019-2020” với sự tham gia của hơn 120 sinh viên cùng với toàn thể giảng viên trong Khoa, cũng là những người đã trực tiếp hướng dẫn các em trong kỳ kiến tập này.

 

Trong đợt kiến tập vừa qua, đã có 09 doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan trên địa bàn Tỉnh Kon Tum và 12 doanh nghiệp, đơn vị tại Lào tiếp nhận các UDCKers đến học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thực tế. Tại Kon Tum có: Hệ thống siêu thị Vinmart +; Công ty viễn thông Vinaphone; Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum; Công ty TNHH MTV Phước Hải, UBND huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy, Tu Mơ Rông; trang trại Brosfarm. Tại Lào có: Công ty Mía đường TTC Attapeu, Cty Dược phẩm CBF Pharma, Doanh nghiệp Unitel, Mai Salavanh Lào, Farm Souphaphon 2, Công ty sản xuất ống nhựa Hong Kham, Công ty Liên doanh Mekong, Sở tài chính tỉnh Salavan, và các ngân hàng như LCB, APB, BCEL, JDB.

 

Phần đầu của buổi tọa đàm, đại diện các nhóm kiến tập đã lên báo cáo, trình bày tổng quan về đơn vị mà nhóm đã có thời gian tìm hiểu, quan sát và làm việc trong 2 tuần, những nội dung công việc các bạn được tham gia cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ phía đơn vị. Các bạn cũng nhấn mạnh về những bài học được rút ra, những kỹ năng được trau dồi sau kỳ kiến tập. Cụ thể như các bạn ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán thì được tiếp xúc với công việc bán hàng, thực hiện các sổ sách thu chi, tư vấn cho khách hàng… Các bạn ngành Kinh tế phát triển thì được làm việc trong các cơ quan nhà nước, được học cách quản lý và xử lý các văn bản hành chính… Các bạn ngành Kinh doanh nông nghiệp thì được làm việc trực tiếp tại nông trại, tiếp xúc các quy trình về nuôi cấy, chăm sóc và bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Từ những trải nghiệm thực tế đó, giúp các bạn tự tin hơn trong cách giao tiếp, đặt vấn đề, cũng như xử lý một số tình huống nghề nghiệp, nắm rõ hơn về văn hóa làm việc trong doanh nghiệp…

 

Đại diện các nhóm kiến tập báo cáo tại buổi Tọa đàm

 

Ở phần thảo luận, các giảng viên hướng dẫn cùng các bạn trao đổi và đánh giá để cùng tìm ra những ưu điểm và nhược điểm của quá trình kiến tập. Đồng thời cũng có những kiến nghị, đóng góp về phía nhà trường để các thầy cô xem xét, đánh giá, từ đó có những điều chỉnh về khung chương trình kiến tập giúp các bạn học hỏi được nhiều hơn nữa.  

 

Theo đánh giá chung của sinh viên, trong quá trình kiến tập các bạn luôn nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình, tận tâm từ các đơn vị, doanh nghiệp; các công việc được giao phù hợp với chuyên ngành các bạn đang theo học nên tích lũy thêm được nhiều kỹ năng mềm cũng như kiến thức chuyên ngành áp dụng trong thực tiễn công việc.

 

Các bạn cũng nêu ra một số hạn chế còn gặp phải khi đi kiến tập như vì thời gian thực tập ngắn nên các bạn chưa được tham gia sâu vào hoạt động doanh nghiệp, một số thắc mắc chuyên môn chưa được giải đáp kỹ do quy định của cơ quan, đơn vị đối với sinh viên kiến tập, chưa tiếp cận được với nhiều số liệu, văn bản.... Vì thế, đa số các nhóm đều đề xuất tăng thời gian kiến tập; mong muốn doanh nghiệp cho tham gia hoặc tìm hiểu nhiều hơn về các khâu vận hành, điều phối; bản thân các bạn cũng tự giác nhắc nhở phải rèn luyện thêm các kỹ năng về giao tiếp, Tin học, Anh Văn… để nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc thực tế.

 

Giảng viên hướng dẫn cùng các nhóm sinh viên trao đổi và đánh giá tại buổi Tọa đàm

 

Ở phần cuối chương trình, ThS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu đã có nhiều chia sẻ cũng như giải thích rõ những vấn đề mà các bạn đặt ra. Theo ThS. Nguyễn Tố Như, chương trình tọa đàm được thực hiện với 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, giúp các bạn sinh viên có thể biết thêm về mô hình, hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp mà sinh viên ngành khác đã lựa chọn, bản thân không cần phải trực tiếp tìm hiểu, từ đó dần định hình được đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan mà bản thân thấy phù hợp cho các kỳ kiến tập, thực tập tiếp theo cũng như muốn làm việc sau này. Thứ hai, qua những chia sẻ và đề xuất của các bạn sinh viên, các thầy cô sẽ xem xét để điều chỉnh chương trình thực tập năm 3, năm 4 phù hợp hơn với ngành nghề các em đang theo học cũng như giúp bộc lộ được hết khả năng của bản thân.

 

ThS. Nguyễn Tố Như cũng giải thích về thời gian kiến tập 2 tuần dành cho năm 2. Vì mục tiêu của kỳ kiến tập này là bước đầu để các bạn làm quen với môi trường thực tế, tìm hiểu những rất cơ bản về doanh nghiệp, cơ quan như lĩnh vực hoạt động, cơ chế vận hành, quản lý nhân sự…  Chính vì thế, với quãng thời gian ngắn này các bạn sẽ không tham gia nhiều vào các hoạt động chính của công ty, không đi sâu vào vận hành. Trong kỳ thực tập năm 3, năm 4 với thời gian thực tập kéo dài hơn sẽ là lúc để các bạn thể hiện bản thân mình.

 

ThS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu đã có nhiều chia sẻ tại buổi Tọa đàm

 

Nhằm giúp sinh viên nâng cao và trau dồi nhiều hơn các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, đặt câu hỏi, xử lý tình huống… Khoa Kinh tế dự định sẽ tổ chức các buổi tập huấn vào tháng 10 tới. Hy vọng rằng tất các sinh viên sẽ nhiệt tình tham gia để nâng cao các kỹ năng căn bản, giúp các bạn luôn tự tin và sẵn sàng thực tập hay làm việc ở những môi trường nhiều áp lực và thử thách.

 

Đại diện lãnh đạo Khoa cũng đã trao giấy chứng nhận cho những bạn đã tham gia báo cáo tại Tọa đàm nhằm khích lệ, cổ vũ thêm tinh thần để các bạn bắt đầu năm học 2020 - 2021 với nhiều thành tựu mới.

 

Trao giấy chứng nhận cho những bạn đã tham gia báo cáo tại Tọa đàm