UD-CK
Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn thì giảng viên tham gia tích cực các hoạt động NCKH là yếu tố quan trọng, cần thiết giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng khắt khe của xã hội.

Do đó, để giúp các giảng viên tại UDCK nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết và đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế; hướng tới xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có đủ khả năng chủ trì, triển khai các công trình nghiên cứu các cấp đảm bảo chất lượng, sáng ngày 27/10 Phòng KH&HTQT đã sẽ tổ chức seminar “Giải pháp nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và công bố quốc tế”.


Chủ trì buổi seminar là TS. Nguyễn Minh Thông, Phó trưởng phòng KH&HTQT với sự tham gia của các lãnh đạo và đông đảo các giảng viên đang công tác tại các khoa như: Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp, Khoa Kinh tế, Khoa Sư phạm – Dự bị Đại học.

 

TS. Nguyễn Minh Thông, Phó trưởng phòng KH&HTQT chủ trì buổi seminar

 

Mở đầu seminar, TS. Nguyễn Minh Thông, Phó trưởng phòng KH&HTQT đã có những chia sẻ về bối cảnh NCKH hiện nay giữa NCKH cơ bản và NCKH ứng dụng; Những lý do cần thực hiện NCKH như giúp thu thập kiến thức và học hỏi, là phương tiện đi tìm sự thật và bác bỏ kiến thức sai trái, NCKH còn giúp xây dựng sự nghiệp, thăng tiến, hội nhập quốc tế và điều quan trọng nhất khi thực hiện NCKH là để nâng cao chất lượng giáo dục.


TS. Nguyễn Minh Thông cũng chỉ ra những cách để hiện thực hóa các ý tưởng thành những sản phẩm công bố trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus như cần tham gia các nhóm nghiên cứu, tìm kiếm các ý tưởng mới, xây dựng đề cương, lựa chọn các tạp chí phù hợp và cuối cùng là công bố sản phẩm. Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Thông còn giới thiệu các nguồn học liệu tham khảo để phục vụ hiệu quả cho công tác NCKH từ google, các nguồn học liệu mở, cơ sở dữ liệu của các nhà xuất bản…

 

Đông đảo giảng viên đến từ các khoa tham dự và chia sẻ về các vấn đề liên quan đến NCKH tại UDCK

 

Tiếp nối nội dung của seminar, ThS. Phan Thị Thanh Trúc, Tổ trưởng bộ môn Kinh tế thuộc Khoa Kinh tế đã có những chia sẻ thực tế, giúp “gỡ rối” những khó khăn trong quá trình NCKH như cách phân bố thời gian, tìm nguồn kinh phí, xác định quy mô, lĩnh vực đề tài, lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp, xử lý nguồn tài liệu bằng Tiếng Anh…


ThS. Đỗ Anh Tuấn, Giảng viên Khoa Sư phạm và Dự bị Đại học lại có những chia sẻ bổ ích, thiết thực về quản lý dữ liệu – tài liệu nghiên cứu, tham khảo bằng các phần mềm chuyên dụng; Phương pháp so sánh, đối chiếu, phân tích dữ liệu định tính… trong NCKH.

 

Ths. Phan Thị Thanh Trúc và Ths. Đỗ Anh Tuấn có nhiều chia sẻ về những kinh nghiệm, kỹ năng trong NCKH


Trong phần thảo luận, TS. Đồng Ngọc Nguyên Thịnh, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp cũng chia sẻ rằng để có những bài báo NCKH được công bố quốc tế đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và không ngừng học hỏi, rèn luyện của mỗi cá nhân. Mỗi người cần luyện tập phong cách viết riêng, biết cách đọc các bài báo cáo và tổng hợp các kết quả đã từ các báo cáo để có đưa ra kết quả nghiên cứu chuẩn xác; Ngoài ra, vai trò của người đứng đầu nhóm nghiên cứu cũng rất quan trọng giúp xây dựng sự uy tín, tin cậy; việc lựa chọn tạp chí đăng tải cũng cần có sự cân nhắc chuẩn xác, phù hợp để nhận được những đánh giá đúng và hợp lý, giúp bài báo được hoàn thiện hơn.


TS. Nguyễn Minh Thông cũng đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng và các công trình NCKH của giảng viên như mọi người nên thường xuyên trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm thông qua những cọ sát thực tế ở những buổi tập huấn, hội thảo, thực hiện những bài nghiên cứu nhỏ, cấp thấp… Ngoài ra, có thể tìm kiếm, kết nối để tạo nên những nhóm nghiên cứu liên minh, cùng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau về kiến thức, công cụ, phần mềm…


ThS. Đỗ Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng để những đề tài nghiên cứu ứng dụng được đành giá cao thì nên tìm kiếm ý tưởng, vấn đề mới có giá trị trong bối cảnh của sự phát triển KT-XH hiện tại.

 


Buổi seminar đã diễn ra rất thành công, nhận được sự tham và chia sẻ, đóng góp ý kiến của các giảng viên đến từ các khoa, từ đó giúp nâng cao, mở rộng kiến thức cũng như khuyến khích tinh thần NCKH trong đội ngũ giảng viên thời gian tới. Điều này sẽ là "bước đệm" quan trọng giúp nâng cao uy tín cũng như chất lượng giáo dục, đào tạo của UDCK tại khu vực Bắc Tây Nguyên.