UD-CK
Đọc sách là nhu cầu thiết yếu, là nguồn năng lượng quan trọng cho sự phát triển dân trí, đồng thời là cánh cửa để mở kho tàng tri thức vô tận của nhân loại.

Hiện nay, việc đọc sách vừa đứng trước cơ hội vì nhân loại được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ; được quyền lựa chọn những thông tin để cập nhật nhưng lại vừa phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn là làm mai một thói quen đọc vốn có bỡi sự hấp dẫn, lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

 


Điều đáng nói ở đây là người Việt nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng ngày càng ít đọc sách. Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông mỗi người dân Việt Nam đọc chỉ 0,8 bản sách/năm trong khi bình quân một người Pháp đọc 15 quyển sách/năm; người Mỹ đọc 12 quyển/năm hay gần hơn là Malaysia, mỗi người dân nước này đọc từ 10-20 quyển sách/năm,… (số liệu thống kê năm 2013). Theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động thực hiện, loại sách đang được người Việt đọc nhiều nhất là truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%). 

 


Để khuyến khích việc đọc sách, Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 diễn ra trong một tuần đã thu hút đông đảo số bạn trẻ tham gia (chiếm tới 70% của gần 1 triệu người) mang lại một nguồn thu đáng kể cho các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là tín hiệu lạc quan về văn hóa đọc vì đa phần giới trẻ tìm mua sách giải trí là chủ yếu, không quan tâm đến sách chuyên khảo, sách viết về văn hóa Việt. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nhận định rằng hội sách đã không đủ mua sự lạc quan về văn hóa đọc sách của cộng đồng, trong đó có thanh thiếu niên. Điều này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

 

TS. Nguyễn Phi Hùng, Quyền Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum

 

Một hình ảnh khá quen thuộc mà chúng ta thường nhìn thấy là ở phòng đợi sân bay, ga tàu hỏa, bến xe... phần lớn hành khách người nước ngoài, đặc biệt là người Âu, Mỹ thường đọc sách in còn người Việt, nhất là giới trẻ đa phần sử dụng máy tính, điện thoại di động để chơi game, chat,... Phải chăng, ở nước ta thế giới mạng đã lấn át, đẩy sách in và báo in vào cuộc khủng hoảng?


Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc và nhằm hướng tới một xã hội học tập, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 284/QĐTTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Sự kiện này mang lại kỳ vọng nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, nhân cách con người; khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. 


Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thói quen đọc sách trở lại, nhất là đối tượng sinh viên - những hạt giống tương lai của đất nước? Đọc sách như thế nào để tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?  Việc phải đọc nhiều sách chắc hẳn ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng. 


Trong xu thế hiện nay, vai trò của thư viện rất quan trọng trong việc giữ gìn vị trí độc tôn của văn hoá đọc. Để thu hút sinh viên đọc sách, thư viện các trường đại học, cao đẳng cần phải phát triển theo hướng “không nên chỉ là nơi giữ sách, cũng không nên chỉ là nơi đọc sách giải trí nhẹ nhàng, nó phải là một trung tâm nghiên cứu - sự nghiên cứu mà bất kỳ một con người có lý trí nào cũng cần phải có” (Phêđôrôp). Thư viện phải thường xuyên bổ sung giáo trình, tài liệu tham khảo, kết quả nghiên cứu khoa học, sách giải trí...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; tạo lập một môi trường yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cho sinh viên như cung ứng sách, photocopy, có khu vực riêng cung cấp dịch vụ thức uống, fast food...

 

Sinh viên Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum hưởng ứng ngày Văn hóa đọc được Thư viện UDCK tổ chức hằng năm


Các trường đại học, cao đẳng nên thành lập Ban vận động đọc sách gồm đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, các câu lạc bộ... Nhiệm vụ của Ban vận động đọc sách là trên cơ sở kết quả nghiên cứu về thực trạng đọc trong sinh viên để xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phát triển văn hoá đọc. Ban vận động đọc sách tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc thực hiện và để xuất khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình.

 


Cần phải phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong việc đọc sách, họ phải là những người tiên phong đến với thư viện để trước hết hình thành cho bản thân thói quen đọc sách đồng thời là hình mẫu khơi dậy niềm đam mê đọc sách của sinh viên. Cán bộ, giảng viên phải hướng cho sinh viên kỹ năng đọc sách, biết cách chọn đọc những trang sách cần đọc liên quan đến bài giảng; giảng viên buộc sinh viên phải đọc tài liệu, sách để làm bài tiểu luận, khóa luận,… thì thói quen đọc sách của sinh viên sẽ dần được hình thành, phát triển.

 


Mặt khác, các trường đại học, cao đẳng tổ chức và duy trì tháng đọc sách (chọn tháng 4 hàng năm); tổ chức các cuộc thi đọc sách, viết sách; tổ chức các buổi simenar về kỹ năng đọc sách,...

 


“Đọc cũng là một nghệ thuật”, cụm từ “nghệ thuật” của Lênin dùng ở đây là đọc sao cho hợp lý, khoa học và tích cực nhất. Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học nhỏ cũng có thể dễ nhận thấy ngay số bạn trẻ ham thích hoặc vì say mê khoa học không nhiều. Trong khi đó, số độc giả “đọc gạo” (đọc để thi, để làm tiểu luận, bài tập nhóm, đọc để làm xong một việc nhất thời nào đó rồi bỏ,...) lại chiếm số đông. Do vậy, cần hướng dẫn cho sinh viên biết cách chọn sách để đọc, cách vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc, biết cách định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong các thư mục và mục lục thư viện, trong môi trường số; xây dựng tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp); cách tiếp nhận nội dung tài liệu học; cách vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp; cách vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc,...

 


Lênin đã từng viết: “Không có sách, không có tri thức, không có tri thức,.. không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Hy vọng Ngày Sách Việt Nam năm 2021 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đánh thức văn hóa đọc, nhất là đối tượng sinh viên, góp phần đào tạo các chủ nhân tương lai của đất nước có đủ tài, đức đưa đất nước sánh vai cùng với “bốn bể, năm châu” như ước nguyện của Người./.


TS. Nguyễn Phi Hùng, Quyền Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum