UD-CK
Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến 2021, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Dạy học trực tuyến với phương pháp lớp học đảo ngược” vào chiều ngày 10/06. 

Tham gia trình bày báo cáo tại hội thảo trực tuyến là chuyên gia TS. Mokhtar Ben Henda, chuyên ngành Khoa học Thông tin và Truyền thông, trường Đại học Bordeaux Montaigne – Cộng hòa Pháp thông qua công cụ Zoom. Hội thảo đã thu hút rất đông giảng viên của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tham gia.

 


TS. Mokhtar Ben Henda đã trình bày khái quát về phương pháp lớp học đảo ngược. Gọi là lớp học đảo ngược vì đảo ngược hoàn toàn so với cách dạy truyền thống. Người học tiếp xúc với học liệu ngoài lớp học, chủ yếu bằng cách đọc tài liệu hay xem video. Như vậy thời gian ở lớp sẽ dành cho việc đào sâu, nắm bắt kiến thức thông qua nhiều phương pháp sư phạm như giải quyết vấn đề, thảo luận hay tranh luận…


Trong đó, TS. Mokhtar Ben Henda cũng chỉ ra kịch bản của lớp học đảo ngược là người dạy cần chuẩn bị các tài liệu, video, câu hỏi liên quan trước khi bắt đầu lớp học gửi cho người học trước để chuẩn bị và dành nhiều thời gian cho các hoạt động, tương tác với nhau khi có mặt trực tiếp trong lớp học.


So với phương pháp dạy học truyền thống thì phương pháp lớp học đảo ngược giúp người học chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Thay vì người dạy phải chủ động, là trung tâm để truyền tải 80% - 90% khối lượng kiến thức thông qua các bài giảng thì với lớp học đảo ngược này, người dạy sẽ đóng vai trò là người đồng hành, người hỗ trợ, tạo điều kiện để người học tự chủ động trong việc tìm kiếm, trao đổi, thảo luận và trau dồi kiến thức.

 


Có 02 mô hình lớp học đảo ngược. Mô hình tiêu chuẩn là người dạy cung cấp tài nguyên để người học tham khảo ngoài lớp học, khi đến lớp người dạy sẽ là người đồng hành, giúp người học tìm hiểu sâu hơn các kiến thức đã được cung cấp. Mô hình phong phú là người học được khuyến khích tự tìm thông tin trên mạng hay qua các tài liệu, trải nghiệm thực tế. Từ những kiến thức này, người học sẽ cùng trao đổi, thảo luận với người dạy hoặc đưa ra các nhận định, đánh giá về kiến thức đã thu nạp được và lắng nghe những chia sẻ từ người dạy.


Với phương pháp lớp học đảo ngược, người học cũng chủ động hơn trong việc tiếp cận tri thức thay vì chỉ ngồi nghe, ghi chép thụ động. Chính vì thế, lớp học đảo người là một hình thức giáo dục chủ động, chuyển từ “người dạy làm gì? sang người học làm gì?”. Người học phải làm cho quá trình học của mình có ý nghĩa khi chính mình trải nghiệm, khám phá. 


Từ lớp học chủ động, sinh viên cũng trau dồi được nhiều kỹ năng quan trọng như kỹ năng tự chủ, kỹ năng biết nhận trách nhiệm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đánh giá vấn đề, tiếp cận vấn đề… 


Mô hình lớp học này có thể được tổ chức với nhiều cách, nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, người dạy và người học hoàn toàn có thể sáng tạo nhiều hoạt động phù hợp với bối cảnh làm việc và đối tượng học tập.


Trong buổi hội thảo trực tuyến, TS. Mokhtar Ben Henda cũng chia sẻ kịch bản về cách tổ chức các lớp học đảo ngược với các bước cần làm trước buổi học, trong buổi học và sau buổi học. Cụ thể như, trước khi bắt đầu lớp học cần chuẩn bị tài liệu, kịch bản giảng dạy, xây dựng kịch bản thực hiện chi tiết; Trong buổi học thì chủ trì các hoạt động đã được lên kịch bản trước đó giúp cho buổi học sinh động, đánh giá học tập; Sau buổi học thì thực hiện củng cố, cải thiện và đánh giá, có thể sử dụng các bài tập cá nhân hoặc nhóm để sinh viên đào sâu hơn các kiến thức liên quan.


Bên cạnh đó, TS. Mokhtar Ben Henda cũng chỉ là một số hạn chế trong việc triển khai lớp học đảo ngược hiện nay là giảng viên tập trung tạo bài giảng mà quên các hoạt động, ít đa dạng, ít sáng tạo trong mô hình dạng dạy; hoặc người học có sự miễn cưỡng khi chuyển từ trạng thái tiếp thu kiến thức sang chủ động tìm kiếm kiến thức.


Vì thế để triển khai và thực hiện tốt mô hình lớp học đảo người thì cần có sự thống nhất, hợp tác giữa người dạy học và người học, đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ tích cực của Ban lãnh đạo nhà trường.


Webinar “Dạy học trực tuyến với phương pháp lớp học đảo ngược” thực sự đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi phương thức dạy và học từ thụ động sang chủ động, tích cực hơn. Qua buổi hội thảo này, hi vọng các giảng viên Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum sẽ gặt hái được nhiều kiến thức hữu ích ứng dụng vào công tác dạy – học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.