UD-CK
Với đề xuất “Giải pháp gia tăng động cơ thúc đẩy cho sinh viên và người lao động dựa trên mô hình trường học hạnh phúc” tại chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, ThS. Phan Thị Thanh Trúc – Phó trưởng Khoa Kinh tế vinh dự nhận bằng khen của BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam dành cho cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” giai đoạn 2017 – 2021.

ThS. Phan Thị Thanh Trúc – hiện cũng đang là giảng viên tại Khoa Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh. Không chỉ là một phó trưởng khoa giàu chuyên môn, tâm huyết mà cô còn một giảng viên thường xuyên có rất nhiều sáng tạo trong giảng dạy với nhiều hoạt động ý nghĩa giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức và trau dồi các kỹ năng mềm. Chính điều này đã thôi thúc cô tham gia đề xuất ý tưởng cho chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” nhằm lan tỏa những điều tích cực liên quan đến hoạt động giáo dục Đại học.

 


Trong bài tham luận, ThS. Thanh Trúc chia sẻ về ý tưởng “Trong quá trình tham gia giảng dạy trên ghế nhà trường, tôi nhận thấy việc khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động học thuật, các hoạt động của nhà trường rất khó khăn bởi luôn nhận được câu trả lời: em bận vì đi làm thêm; em không thích; em không muốn tham gia… Tổng thời gian một ngày của các bạn hầu hết là chơi game hoặc lướt facebook... Một trong những nguyên nhân chính không có mục tiêu hay lý tưởng sống. Mặc dù giáo viên luôn hối thúc việc học nhưng đa phần các bạn trả lời: "học làm gì ạ, qua môn là được". Tình trạng ì ạch, trì trệ kéo dài khiến chất lượng sinh viên ngày càng giảm, đồng thời khiến nhiệt huyết trong công tác giảng dạy có xu hướng giảm. Do vậy, việc tạo dựng môi trường học tập, môi trường làm việc thân thiện, bản thân mỗi tác nhân đều cảm thấy hạnh phúc khi được sống và làm việc tại nơi đó rất quan trọng.”


Mô hình trường học hạnh phúc dựa trên ba tiêu chí quan trọng để xây dựng, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng; đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Song song với mô hình trường học hạnh phúc kết hợp với phương pháp giảng dạy tích cực, trong từng môn học như Phát triển kỹ năng quản trị, lãnh đạo nhóm của sinh viên các ngành Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. 

 

ThS. Phan Thị Thanh Trúc đã áp dụng mô hình trường học hạnh phúc vào giảng dạy tại UD-CK


ThS. Thanh Trúc đã xây dựng cây kỳ vọng (cây điều ước) cho sinh viên dựa trên mục tiêu 3 tháng, mục tiêu 6 tháng, mục tiêu 5 năm. Mục tiêu ngắn hạn 3 tháng được sử dụng sợi ruy băng màu đỏ. Mục tiêu dài hạn 3 năm hoặc 5 năm của sinh viên và người lao động được viết bằng sợi ruy băng màu vàng. Sau khi sinh viên viết mục tiêu trên những ruy băng màu đỏ và màu vàng sẽ treo lên cây.

 

Sợi ruy băng mục tiêu của sinh viên UD-CK được treo trên cây kỳ vọng

 

Theo kết quả ghi nhận được, sinh viên tham gia chương trình này có sự nỗ lực học tập cao hơn thông qua việc tới lớp thường xuyên, tham gia phát biểu ý kiến, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn. 

 

Giảng viên khoa Kinh tế triển khai hoạt động tự nhận thức cho học sinh THPT


Bên cạnh đó, ThS.Phan Thị Thanh Trúc còn thực hiện nguyên tắc thường xuyên "khen" nhằm giúp sinh viên tự tin hơn trong quá trình phát triển bản thân. Ngoài ra, cô còn đề xuất thành lập hòm thư góp ý để người lao động, sinh viên có thể đóng góp những giải pháp, kiến nghị những vấn đề còn tồn tại với ban lãnh đạo nhà trường, giúp gia tăng động lực thúc đẩy trong học tập và công việc. 


ThS. Thanh Trúc cho biết những hoạt động này bước khởi đầu cho việc hình thành môi trường học tập và làm việc thân thiện, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi.

 

Mô hình cây kỳ vọng

 

Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” là một trong những hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2021 được Tổng LĐLĐVN phát động và triển khai tại các cấp Công đoàn nhằm phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ.


Nhờ tính sáng tạo và ứng dụng cao, đề xuất của Thạc sĩ Phan Thị Thanh Trúc là 1 trong 26 đề xuất được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen. Đây cũng chính là niềm tự hào và vinh dự rất lớn của Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum vì các giảng viên trẻ không chỉ hoàn thành tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà luôn tìm tòi, nghiên cứu để có những đổi mới, sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức giúp sinh viên trau dồi, tích lũy đầy đủ nhất kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.