UD-CK
Với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế có cơ hội nghiên cứu, trao đổi, phân tích, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thêm các luận cứ khoa học, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kinh tế nói riêng và hoạt động đào tạo tại Phân hiệu ĐHĐN nói chung, chiều ngày 16/11/2021 Khoa Kinh tế đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kinh tế".

Tham gia hội thảo, về phía lãnh đạo Nhà trường có ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc; Về phía Khoa Kinh tế có ThS. Phan Thị Thanh Trúc, Phó trưởng Khoa và các giảng viên, sinh viên của Khoa.

 


Hội thảo đã nhận được rất nhiều các bài tham luận chất lượng không chỉ đến từ các giảng viên thuộc Khoa Kinh tế mà còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đông Á.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc nhấn mạnh “Các ngành kinh tế là những ngành mũi nhọn, chủ lực của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum trong 15 năm qua. Do vậy, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kinh tế, tìm kiếm những điểm mấu chốt, điểm còn tồn tại cần khắc phục trong việc đào tạo các ngành này, từ đó tạo tiền đề cho việc thu hút chất lượng tuyển sinh nhà trường rất quan trọng và là yếu tố sống còn của nhà trường.”. Thông qua hội thảo lần này, ThS. Nguyễn Tố Như mong muốn sẽ tìm thấy được những giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao để cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo các ngành Kinh tế trong thời gian tới.

 

Hội thảo được chia làm 2 phiên với các nội dung chính: Nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động cải thiện kỹ năng cho sinh viên.

 

Mở đầu phiên thứ nhất, TS. A Lăng Thớ, cựu giảng viên Khoa Kinh tế, hiện đang công tác tại trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM đã trình bày bài tham luận với chủ để “Ba trụ cột của nâng cao chất lượng đào tạo: Nhìn từ các chương trình đào tạo quốc tế”. Bài tham luận đã phân tích chi tiết các vấn đề xoay quanh ba trụ cốt quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo bậc Đại học là: Chương trình đào tạo, người dạy và sự hỗ trợ. Từng tham gia giảng dạy nhiều năm tại Khoa Kinh tế nên TS. A Lăng Thớ rất am hiểu về chương trình đào tạo tại UDCK, cộng với kinh nghiệm hiện đang làm việc tại môi trường của Đại học Quốc tế nên những phân tích, chia sẻ trong bài của TS. A Lăng Thớ đã giúp các giảng viên, sinh viên tiếp cận được nhiều kiến thức mới mẻ, bổ ích giúp phát triển và nâng cao hiệu quả chất lượng đào tào.

 

TS. A Lăng Thơ báo cáo tại hội thảo

 

ThS. Đào Thị Ly Sa, giảng viên của Khoa Kinh tế tham gia tham luận với chủ đề “Vận dụng mô hình lớp học hỗn hợp trong dạy học trực tuyến tại UDCK”. Học tập hỗn hợp là phương pháp hoạt động học tập bằng cách kết hợp giữa môi trường trực tuyến và môi trường giao tiếp trực tiếp. Thời gian vừa qua để đối phó với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum đã áp dụng song song phương pháp dạy trực tiếp và trực tuyến ở các thời điểm phù hợp, giúp đảm bảo tiến độ và chất lượng học tập sinh viên. Bài tham luận đã đưa ra được nhiều đề xuất quan trọng giúp từng bước nâng cao hiệu quả của phương thức dạy học này tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum trong thời gian tới.

 

Tiếp nối ngay sau đó là tham luận của ThS. Đặng Trần Minh Hiếu, giảng viên Khoa Kinh tế với chủ đề “Vận dụng Coaching trong giảng dạy”. Tham luận đã giới thiệu mô hình GROW trong coaching (khai vấn) có thể hỗ trợ giảng viên thực hiện vai trò động viên, khơi gợi động lực ở người học và giúp người học tự tìm ra giải pháp học tập hiệu quả với chính bản thân mình.

 


 
Bài tham luận của ThS. Đào Thị Ly Sa, giảng viên Khoa Kinh tế

 

Tại phiên làm việc thứ 2 với chủ đề “Hoạt động cải thiện kỹ năng cho sinh viên”, TS. Đoàn Gia Dũng, Nguyên Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, hiện đang công tác tại trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng đã có bài chia sẻ về “Khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp tại đại học Đông Á”. 

 

Bài tham luận của TS. Đoàn Gia Dũng đã cung cấp rất nhiều kiến thức mới về các quốc gia khởi nghiệp thành công, và khởi nghiệp của nước ta, đặc biệt là trong sinh viên. Bài báo cáo cũng chia sẻ các ý tưởng về khởi nghiệp nổi bật tại Trường Đại học Đông Á. Trong đó, dự án khởi nghiệp Du lịch trải nghiệm "thế giới" bóng đêm – dự án dành cho người khiếm thị - của nhóm sinh viên đến từ khoa Quản Trị, ĐH Đông Á đã giành giải 3 cuộc thi UDA START-UP 2021 và lọt top 25 ý tưởng khởi nghiệp CiC 2021 do Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tại buổi hội thảo lần này, bạn Lê Văn Dũng, thành viên của nhóm dự án cũng đã giới thiệu dự án đến với đông đảo giảng viên và sinh viên của Phân hiệu. 

 
Bạn Lê Văn Dũng, giới thiệu dự án Du lịch trải nghiệm "thế giới" bóng đêm dành cho người khiếm thị


Tiếp theo chương trình hội thảo, ThS. Trần Thị Thu Trâm và ThS. Đỗ Hoàng Hải, giảng viên Khoa Kinh tế đã lần lượt trình bày các bài tham luận liên quan đến các hoạt động, chương trình giảng dạy giúp nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên “Phát triển kĩ năng của sinh viên khối ngành kinh tế trong tình hình mới” và “Mô hình thực hành hoạt động marketing đối với sinh viên – nghiên cứu tại UDCK”. Trong chương trình đào tạo, ngoài kiến thức chuyên môn, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum rất chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp kỹ năng thì nhà trường còn thành lập các CLB để sinh viên tham gia và phát huy năng lực, sở trường của bản thân. Bài tham luận của  ThS. Trần Thị Thu Trâm và ThS. Đỗ Hoàng Hải giúp Khoa Kinh tế cũng như Nhà trường sẽ có thêm nhiều hoạt động, chương trình giúp sinh viên cải thiện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu việc làm.


 
Bài tham luận của ThS. Đỗ Hoàng Hải, giảng viên Khoa Kinh tế


Sau hai phiên làm việc nghiêm túc, các giảng viên và sinh viên cùng các khách mời đã thảo luận rất sôi nổi về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo, nêu ra các quan điểm từ nhiều góc nhìn, từ đó góp phần xây dựng hoạt động giảng dạy ngày một hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa kinh tế nói riêng và UDCK nói chung. 

 

Hy vọng rằng với sự thành công của hội thảo trực tuyến lần này sẽ giúp Khoa Kinh tế nói riêng và Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và cung cấp nguồn nhất lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và cả nước.