UD-CK
Tiếp nối thành công từ chương trình tập huấn “Lập dự án khởi nghiệp 2021” được tổ chức vào cuối tháng 10/2021 vừa qua, Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum tổ chức lớp tập huấn lần 2 với chuyên đề “Lựa chọn mô hình khởi nghiệp thành công”.

Chương trình diễn ra từ ngày 14-16/12 với hai hình thức tập huấn online và trực tiếp. Tham dự chương trình có ông Lê Công Dinh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp; ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, cùng các giảng viên tham gia giảng dạy. Tham gia đợt tập huấn này có gần 30 học viên đến từ bộ phận phụ trách khởi nghiệp thuộc UBND các huyện, thành phố; Hội Nông dân, các cá nhân, tổ chức, đoàn thể có nhu cầu về khởi nghiệp…


 
Chương trình diễn ra với hai hình thức online và trực tiếp


Đại diện BTC, ông Lê Công Dinh đã nhấn mạnh về kết quả mà chương trình đạt được từ đợt tập huấn đầu tiên, giúp nhiều cá nhân, tổ chức hiểu được phương pháp, quy trình viết dự án khởi nghiệp từ đó nâng cao chất lượng thực hiện các dự án và góp phần hiện thực hóa một số dự án có tính khả thi. Nhằm tiếp tục rèn luyện các kỹ năng, kiến thức và phẩm chất quan trọng để những người có đam mê khởi nghiệp có thể biến ước mơ thành hiện thực, lần tập huấn đợt 2 này sẽ đi sâu vào hướng dẫn lựa chọn mô hình khởi nghiệp phù hợp nhằm phát huy hết những năng lực, giá trị cốt lõi của mỗi dự án. Đồng thời, BTC chương trình cũng mong muốn thông qua những đợt tập huấn này sẽ có thêm nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của các cá nhân, tập thể để góp phần vào sự phát triển KT-XH địa phương nói riêng và cả nước nói chung.


 
Ông Lê Công Dinh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp phát biểu


Sáng ngày 14/12, thông qua nền tảng trực tuyến zoom, ThS. Phan Thị Thanh Trúc, Phó trưởng Khoa Kinh tế đã giới thiệu cách thức thiết lập mô hình kinh doanh Canvas với nhiều nội dung thiết thực và bổ ích như: Xác định phân khúc khách hàng; Tuyên bố giá trị sản phẩm/dịch vụ; Dòng doanh thu; Kênh phân phối; Quan hệ khách hàng; Nguồn lực chính; Đối tác chính…


Để áp dụng những kiến thức được chia sẻ, chiều cùng ngày chương trình tập huấn được diễn ra trực tiếp tại Phân hiệu. Các cá nhân/nhóm dự án được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, hỗn hợp, dịch vụ…  ThS. Nguyễn Tố Như, ThS. Phan Thị Thanh Trúc cùng các giảng viên của Phân hiệu hướng dẫn chi tiết cách viết và phát triển dự án khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh canvas.

Các thành viên BTC tập huấn trực tiếp cho các hội viên 

 

Sau khi nắm các kiến thức căn bản, sáng ngày 15/12 mọi người đã có chuyến tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp thành công trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng hiện thực hóa ý tưởng của bản thân. Cụ thể, mọi người đã tham quan mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch kết hợp với kinh doanh nhà hàng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao của địa phươn; mô hình hợp tác xã Trường Tiến Măng Đen; mô hình trứng gà Ai Cập theo quy trình đảm bảo bảo vệ môi trường….

 

Đoàn tập huấn tham quan các mô hình khởi nghiệp ở Măng Đen


Sáng ngày 16/12, BTC đã tổ chức tổng kết chương trình, rút ra bài học sau khi tham quan các mô hình và  hiệu chỉnh cho các chủ dự án dự kiến khởi nghiệp để mọi người nắm bắt được các bước cần thiết và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn vốn cũng như các tiềm lực sẵn có để có thể khởi nghiệp thành công.


Hy vọng rằng sau đợt tập huấn các học viên sẽ tự tin phát triển dự án khởi nghiệp của bản thân/tổ chức để tạo ra thật nhiều sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới, sáng tạo giúp đời sống ngày càng được nâng cao hơn.