UD-CK
Sáng ngày 01/03/2022, tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, TS. Nguyễn Phi Hùng, Quyền Giám đốc Phân hiệu cùng lãnh đạo các Khoa, phòng Đào tạo, phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã có buổi đón tiếp, làm việc với lãnh đạo xã Văn Xuôi - Huyện Tu Mơ Rông về việc hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật trong phát triển các sản phẩm đặc trưng địa phương.

Trong chuyến làm việc với UDCK, về phía lãnh đạo xã Văn Xuôi có ông Cao Văn Tuyên – chủ tịch UBND xã và đại diện văn phòng UBND xã, cán bộ phụ trách nông nghiệp, các cán bộ xã.

 

Đại diện lãnh đạo xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông


Ông Tuyên đã có những chia sẻ về thế mạnh của địa phương như điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn quỹ đất, nhân công, khí hậu… thuận lợi để phát triển các sản phẩm dược liệu, nông nghiệp sạch đặc trưng địa phương: Lan kim tuyến, Sâm ngọc linh, Sâm dây, Hoa Atiso, Dây tây, Sâm Đương Quy… và cũng đã có đầu ra ổn định cho một số sản phẩm. Tuy nhiên, địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống, chiết xuất dưới các dạng khác nhau… vì thế quy mô sản xuất chưa được mở rộng, chỉ mới ở thực hiện ở những hộ nhỏ lẻ, năng suất chưa được nâng cao. 


Vì thế, qua lần trao đổi này lãnh đạo xã Văn Xuôi mong muốn Phân hiệu sẽ hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật, cây giống… cho địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tumorong để giúp phát triển các sản phẩm đặc trưng địa phương, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 


Tại buổi làm việc, các khách mời và lãnh đạo UDCK đã có nhiều trao đổi, chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ của 2 bên để có những thống nhất trong việc hợp tác lâu dài. Theo đó, trong năm nay Phân hiệu sẽ hỗ trợ xã Văn Xuôi thí điểm thử nghiệm mô hình Lan kim tuyến với các khâu cung cấp cây giống, kỹ thuật chăm sóc, … để xác định rõ quy trình, đánh giá được chất lượng, sản lượng và đầu ra, sau đó sẽ cho sản xuất đại trà với quy mô lớn. Từ thành công của mô hình này sẽ áp dụng để phát triển các loại dược liệu, sản phầm nông nghiệp sạch của địa phương. Đồng thời, Phân hiệu cũng sẽ hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu đến với cộng đồng.

 


Bên cạnh hỗ trợ, chuyển giao về khoa học, kỹ thuật, TS. Nguyễn Phi Hùng, Quyền Giám đốc Phân hiệu cũng chia sẻ thêm rằng Nhà trường sẽ tạo điều kiện cho nguồn nhân lực địa phương nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn qua các lớp Đại học chính quy, Vừa làm vừa học, liên thông, đào tạo từ xa… Ngoài ra, nếu địa phương có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thì hằng năm nhà trường đều có thể giới thiệu những sinh viên tốt nghiệp ra trường, đáp ứng đủ chuyên môn, năng lực đến làm việc tại địa phương.


Sau thời gian trao đổi, hai bên đi đến thống nhất sẽ lên phương án hợp tác cụ thể theo từng giai đoạn trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của huyện Tu Mơ Rông, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Phân hiệu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao khoa học, kỹ thuật.