UD-CK
Sáng ngày 09/03/2022, hội thảo khoa học quốc tế thường niên “Thương mại và Phân phối” lần thứ 3 đã được tổ chức thành công với nhiều bài báo cáo khoa học chất lượng, giá trị về vấn đề thương mại và phân phối trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Hội thảo do trường Đại học Thương mại phối hợp với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Quốc gia Chung Nam – Hàn Quốc đồng tổ chức. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hội thảo lần 3 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng zoom với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước.

 

 

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; về phía các đơn vị đồng tổ chức có PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại; PGS,TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn;  GS. Hee-Cheol Moon, Đại học Quốc gia Chung Nam – Hàn Quốc. Về phía Phân hiệu có ThS. Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc; TS. Nguyễn Minh Thông, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cùng các giảng viên đến từ các Khoa Kinh tế, Khoa Công nghệ, Khoa Luật và Sư phạm. Tham dự hội thảo còn có các đại diện từ các trường Đại học lớn trong cả nước, Bộ công thương, các viện, tạp chí Kinh tế và phát triển, Tổng cục Quản lý Thị trường…

 

Hoạt động thương mại và phân phối chính là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại – đơn vị chủ trì hội thảo lần thứ 3, đã nhấn mạnh rằng “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thương mại và phân phối được xem là mắt xích quan trọng kết nối sản xuất và tiêu dùng. Hoạt động thương mại và phân phối không chỉ thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ mà còn hỗ trợ ngược trở lại quá trình sản xuất để tạo nên chuỗi cung ứng giá trị bền vững. Bên cạnh đó, thương mại và phân phối còn góp phần mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Như vậy, hoạt động thương mại và phân phối chính là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.”

 

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu

 

Giai đoạn vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã minh chứng những tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt, khủng hoảng của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và “lúng túng” trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để ứng phó hiệu quả trước đại dịch Covid-19.

 

Do đó, hội thảo CODI 2022 được tổ chức với mục đích làm rõ cơ sở khoa học về hoạt động thương mại và phân phối trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; mô tả khái quát thực trạng hoạt động thương mại và phân phối của Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành hàng và doanh nghiệp dưới sự tác động của đại dịch Covid-19; từ đó dự báo triển vọng thị trường và đề xuất chính sách, giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển thương mại và phân phối cho các lĩnh vực, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam. 

 

Hội thảo đã nhận được gần 200 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước 


Trải qua hơn 5 tháng chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được Hội thảo đã nhận được gần 200 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Trong số các tác giả đã gửi bài tham luận có đại diện của các cơ sở giáo dục trong nước như Trường Đại học Thương mại, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Kinh tếQuốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn,…; các nghiên cứu đến từ các nước như Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Trung Quốc, Thái Lan; cùng với sự tham gia của đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước.

 


Hội thảo được tổ chức với Phiên toàn thể và 3 Phiên chuyên đề gồm 8 nhóm chủ đề trong tham luận như sau:


- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm phát triển thương mại và phân phối: Các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung phân tích thực tiễn chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, logistics, nông nghiệp, du lịch,... nói riêng. Ngoài ra, trong chủ đề này cũng có nghiên cứu đề cập đến ý nghĩa của phương pháp trắc lượng thư mục trong tổng quan tài liệu về chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

 

- Thị trường và hành vi của khách hàng trong lĩnh vực thương mại và phân phối: Trong chủ đề này, các bài viết tập trung vào nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, hành vi tiêu dùng, sự hài lòng của khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội lên hình ảnh tổ chức và niềm tin của người tiêu dùng; đào tạo nhằm phát triển năng lực nền tảng cho các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản;…

 

- Logistics trong thương mại và phân phối, tác động của logistics đến hoạt động thương mại và phân phối: Ở nhóm chủ đề này, các bài viết tập trung nghiên cứu lý luận và thực tiễn về logistics trong thương mại và phân phối, tác động của logistics đến hoạt động thương mại và phân phối. Từ đó, các nghiên cứu đã đưa ra hàm ý và giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: Doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích người mua thanh toán trực tuyến,…; cơ quan quản lý nhà nước cần cải thiện môi trường logistics và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp tục giám sát các hoạt động thanh toán trực tuyến và xử phạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật, quảng bá thanh toán số,… Ngoài ra, trong chủ đề này còn bàn đến vấn đề phân tích hiệu quả hai giai đoạn của cảng hàng không thương mại tại Hàn Quốc.

 

- Mô hình phân phối thương mại, kênh phân phối thương mại, cơ sở thương mại phân phối của doanh nghiệp; Hệ thống thương mại và phân phối sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu: Các nghiên cứu tập trung vào phân tích những nội dung liên quan đến chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong các ngành hàng. Một số nghiên cứu còn đề cập đến vấn đề phát triển sàn giao dịch vận tải đường bộ; đề xuất mô hình tích hợp thực hành phân phối tốt với hệ thống quản lý chất lượng cho các sản phẩm dược phẩm; đảm bảo chất lượng hàng hóa trong giao dịch qua sàn thương mại điện tử;…

 

- Dự báo triển vọng thị trường thương mại, phân phối trong nước, khu vực và thế giới và những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, phân phối: Các bài viết ở chủ đề này tập trung vào phân tích tác động của các hiệp định thương mại, hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa… từ đó dự báo triển vọng thị trường thương mại, phân phối trong nước, khu vực và thế giới và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và phân phối. 

 

- Những thể chế, chính sách, luật pháp, cơ sở pháp lý về vấn đề thương mại và phân phối đối với sự phát triển kinh tế địa phương, quốc gia và quốc tế; Vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trên phạm vi thị trường nội địa và quốc tế; Ảnh hưởng chính sách thương mại và phân phối quốc tế khi Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới: Các nghiên cứu xoay quanh các nội dung về thể chế, chính sách, luật pháp về thương mại và phân phối đối với phát triển kinh tế; vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy lưu thông hàng hóa; ảnh hưởng của chính sách thương mại và phân phối quốc tế đối với Việt Nam…


- Phát triển thương hiệu, truyền thông và marketing nhằm phát triển thương mại và phân phối: Các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung đề cập đến nội dung thương hiệu doanh nghiệp, truyền thông và marketing nhằm phát triển thương mại và phân phối. 


Hội thảo lần thứ 4 do Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum chủ trì, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2023


Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Tố Như đã thay mặt BTC ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học thực tiễn, đặc biệt các ý kiến phát biểu, thảo luận đã giúp BTC nhận thức được những bài học thực tiễn sinh động, quý giá và cần thiết cho quá trình nghiên cứu, tìm ra con đường phát triển thương mại và phân phối, phát huy được tiềm năng của địa phương, vùng và quốc gia. 

 

TS. Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu phát biểu 

 

Về phía doanh nghiệp: Cần phải phát triển chất lượng dịch vụ; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng công tác marketing, đặc biệt là marketing số; Hoàn thiện công tác quản trị chuỗi cung ứng nhằm phát triển một cách bền vững, có lợi cho môi trường. 

 

Về phía nhà nước: Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho hạ tầng kinh tế, giao thông đặc biệt là cảng biển, tối ưu hóa các kênh logistics, đảm bảo hoạt động hiệu quả; hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách nhằm hạn chế các rào cản thương mại để gia tăng giá trị cho hàng hóa và hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động thương mại phân phối. 


Và những ý kiến trao đổi khác, các kinh nghiệm của các quốc gia có thể áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

 

Thông qua hội thảo lần này, BTC hy vọng rằng các đại biểu sẽ tìm thấy những ý tưởng hay, kiến thức bổ ích, những bài học kinh nghiệm về những lĩnh vực, vấn đề quan tâm chung trên con đường nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới nhằm phát triển Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.

 

Hội thảo lần 4 do Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum chủ trì dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 03/2023, ThS. Nguyễn Tố Như cũng thay mặt BTC gửi lời mời tham gia đến các đối tác quốc tế, các trường đại học, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.