UD-CK
Mùa tuyển sinh 2022, các trường đại học (ĐH) thành viên của ĐH Đà Nẵng đã tiên phong mở mới hoặc điều chỉnh các chương trình đào tạo, ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, thích ứng với nhu cầu nhân lực của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng mở mới ngành Công nghệ Tài chính (Fintech). PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, đây là ngành nghề dự báo sẽ “hút” nhân lực trong thời gian tới.


Công nghệ tài chính (Fintech) được dự báo 

sẽ thu hút nhân lực trong thời gian đến

​(Ảnh trước dịch Covid-19)

Fintech hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ các dịch vụ mà trước đây thuần túy do ngân hàng đảm nhận như: Tín dụng, huy động vốn, thanh toán, dịch vụ tài chính cá nhân… cho đến những dịch vụ do các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện như: Phân tích dữ liệu, quản trị tài sản, tư vấn đầu tư, trong đó có cho vay trên nền tảng số, thanh toán qua các ví điện tử, gọi vốn cộng đồng, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính, quản lý tài sản kỹ thuật số… đang được quan tâm đặc biệt nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá ứng dụng công nghệ mới như hiện nay.

Tuy so với một số nước trong khu vực (Singapore, Thái Lan, Malaysia), lĩnh vực Fintech tại Việt Nam còn mới mẻ và đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng số lượng các doanh nghiệp, công ty Fintech tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng (từ 44 công ty năm 2017 đến 131 công ty năm 2020). Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Fintech đang là thách thức lớn đối với Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao

để thành phố Đà Nẵng phát triển trở thành

trung tâm tài chính quy mô khu vực 

Theo số liệu khảo sát của Viện Nhân lực Ngân hàng (Vietnambanker), nguồn nhân lực có chuyên môn về tài chính - ngân hàng chiếm tỷ lệ rất cao (trên 90%) nhưng gặp phải bất cập về kỹ năng và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ. Ngược lại, các kỹ sư công nghệ giỏi nhưng có thể chưa được trang bị đủ kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Riêng với Đà Nẵng, đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực” xác định Fintech là cấu phần quan trọng để hình thành, phát triển trung tâm tài chính. Đây được xem là “cú hích” quan trọng, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các công ty Fintech nói riêng, hệ sinh thái Fintech nói chung trên địa bàn thành phố.

“Đó chính là cơ sở để Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng mở ngành Fintech ngay trong năm nay. Đây thực sự là bước đón đầu xu thế đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này”, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh chia sẻ.

Các ngành đào tạo mới của VKU gắn liền

với xu thế nhu cầu nhân lực công nghệ 4.0 

​(Ảnh trước dịch Covid-19)

Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) mở mới và tuyển sinh các ngành nghề gắn liền với nhu cầu thích ứng với công nghệ 4.0. Cụ thể, đối với khối ngành kỹ thuật, bên cạnh đào tạo kỹ sư, nhà trường chú trọng tuyển sinh đào tạo cử nhân các ngành công nghệ thông tin và ngành công nghệ kỹ thuật máy tính, đồng thời mở mới các ngành “hot” như: Truyền thông và Mỹ thuật số (hệ cử nhân); Trí tuệ nhân tạo (cả hai hệ cử nhân và kỹ sư) và Mạng và An toàn thông tin (hệ kỹ sư).

Đối với khối ngành kinh tế, VKU tuyển sinh chuyên ngành mới Quản trị Dự án Công nghệ thông tin và chuyên ngành Quản trị Tài chính số; Digital marketing. Theo TS. Huỳnh Ngọc Thọ, Trưởng phòng Đào tạo VKU cho biết, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội và thực sự cần có các ngành đào tạo tương ứng để phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

VKU luôn nắm bắt để đáp ứng nhu cầu

nhân lực chuyển đổi số của thị trường

lao động trong nước, quốc tế 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng cũng năng động điều chỉnh các ngành nghề để thích ứng với nhu cầu đổi mới công nghệ và thị trường lao động trong nước, quốc tế. TS. Nguyễn Linh Nam, Trưởng phòng Đào tạo của Trường chia sẻ, ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp của Trường chuyên đào tạo công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số và thiết bị công nghệ mới trong giảng dạy.

Cùng với đó, Nhà trường đầu tư trang bị năng lực chuyển đổi số và đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu, tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục ĐH.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN 

đẩy mạnh ứng dụng nền tảng trực tuyến,

gắn tuyển sinh với tư vấn hướng nghiệp,

Ngành Kỹ thuật thực phẩm của Trường đang phát triển thêm hướng đạo tạo chuyên sâu chuyên ngành Sinh học thực phẩm để tập trung đào tạo, ứng dụng công nghệ sinh học qua đó tạo nên những sản phẩm thực dưỡng, phục vụ nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Ngành Công nghệ vật liệu phát triển thêm chuyên ngành Công nghệ hóa học vật liệu mới nhằm ứng dụng các phương pháp hóa học để tổng hợp ứng dụng vật liệu mới, vật liệu “thông minh”, vật liệu nano… phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN thẩm định CTĐT

“Kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh”

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, thời gian qua, việc tiên phong mở mới các ngành học nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu xã hội cùng với đó là việc không ngừng cập nhật, cải tiến các chương trình đào tạo theo góp ý, phản biện của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Điều này thể hiện sự tích cực chuyển động cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Nhà trường đã bắt kịp xu thế, đúng hướng.

Tiên phong mở các ngành đào tạo tiên tiến

 là sứ mệnh đáp ứng nhu cầu nhân lực

và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0

(Ảnh trước dịch Covid-19)

Các ngành đào tạo của Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đang đón đầu xu thế của thị trường lao động như: Chuyên ngành Kỹ thuật và quản lý đô thị thông minh; Chuyên ngành Hệ thống thông tin và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng; Chuyên ngành Công nghệ sinh học y dược… Việc mở các ngành đào tạo mới sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội lựa chọn và trúng tuyển cho thí sinh; đồng thời các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tuyển dụng, chuẩn bị nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

(Theo Báo Đà Nẵng)