UD-CK

A. QUY ĐỊNH CHUNG


1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
 - Phạm vi: Học kỳ 2, năm học 2019 – 2020.
 - Đối tượng: tất cả các Bậc học bao gồm hệ Chính quy, Vừa làm vừa học thuộc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.


2. Giải thích thuật ngữ
2.1. Đào tạo trực tuyến (ĐTTT): là phương thức đào tạo thông qua môi trường internet và sử dụng công nghệ thông tin truyền thông đa phương tiện (lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, đồ hoạ...).
- Đào tạo trực tuyến đồng bộ (ĐTTTĐB): là hình thức đào tạo trực tiếp tại cùng một thời điểm trên không gian internet.
- Đào tạo trực tuyến không đồng bộ (ĐTTTKĐB): là hình thức đào tạo gián tiếp ở bất cứ thời điểm nào trên không gian internet.


2.2. Đào tạo tập trung truyền thống (ĐTTTTT): là hình thức đào tạo trực tiếp mà người dạy và người học cùng có mặt tại một địa điểm cụ thể trong cơ sở đào tạo.


2.3. Đào tạo kết hợp hay Đào tạo hỗn hợp (Blended learning): là việc kết hợp phương thức ĐTTT với phương thức dạy – học tập trung truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục.


2.4. Học phần phù hợp (HPPH): là những học phần thuộc khung chương trình đào tạo phù hợp với ĐTTT (trừ đồ án môn học; học phần thực tập, kiến tập; Khoá luận tốt nghiệp) có sự thoả thuận giữa cơ sở đào tạo và sinh viên.


3. Một số quy định về ĐTTT
3.1. Đối với các Khoa

- Theo dõi việc giảng dạy của giảng viên và yêu cầu giảng viên báo cáo tình hình giảng dạy (theo phụ lục 1).
- Kiểm tra đề cương chi tiết, bài giảng, hệ thống bài tập.
- Thường xuyên cập nhật số lượng sinh viên tham gia học tập theo buổi học để Phòng Đào tạo hoàn thành các báo cáo.


3.2. Đối với Phòng Đào tạo
- Lên lịch dạy cụ thể cho từng tuần, thông báo lịch học cho sinh viên.
        - Theo dõi quá trình tổ chức dạy học của giảng viên và sinh viên.
    - Hướng dẫn sinh viên đăng ký tín chỉ, nhắc nhở sinh viên nộp học phí theo quy định của Nhà trường. 
    - Tổng hợp, báo cáo quá trình tổ chức dạy học định kỳ và khi có yêu cầu.

 

3.3. Đối với Tổ CNTT
    - Chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ sở vật chất và nội dung tập huấn về giảng dạy trực tuyến cho giảng viên.
    - Tập huấn cho toàn bộ giảng viên sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến.
    - Hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy trực tuyến.


3.4. Đối với Giảng viên
- Giảng viên dạy học thông qua phần mềm chính: E-learning và Microsoft Teams (MS Teams), tích hợp với một số công cụ hỗ trợ khác.
- Giảng viên phải đảm bảo đủ khối lượng kiến thức và giúp người học đạt chuẩn đầu ra của học phần.
- Giảng viên rà soát đề cương chi tiết học phần và điều chỉnh lại những mục có thể phải thay đổi để đảm bảo phù hợp với phương thức ĐTTT, đặc biệt là phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra – đánh giá...; xây dựng kế hoạch giảng dạy học phần theo phương thức ĐTTT.
- Giảng viên đảm bảo sự tương đương giữa các CĐR học phần theo phương thức ĐTTT với phương thức tập trung truyền thống. Trong trường hợp có một số CĐR học phần của phương thức đào tạo truyền thống không thể giảng dạy được theo phương thức ĐTTT thì học phần đó có thể được triển khai giảng dạy theo phương thức Đào tạo hỗn hợp và các CĐR này được giảng dạy khi người học có thể tập trung được theo phương thức truyền thống. Trường hợp người học không thể tập trung được vì dịch bệnh kéo dài hay nguyên nhân khác dẫn đến không còn đủ thời gian ĐTTT thì Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum quyết định trong khuôn khổ kế hoạch học tập của học phần có tinh giản các CĐR này hay không.
- Giảng viên phải thông báo cho người học biết về đề cương chi tiết và kế hoạch giảng dạy học phần theo phương thức ĐTTT trước khi bắt đầu học phần và/hoặc vào buổi học đầu tiên của học phần; thông báo các CĐR của mỗi buổi học/bài học ngay khi bắt đầu buổi học/bài học đó.
- Các hoạt động dạy và học trực tuyến đối với mỗi học phần phải hướng tới việc giúp người học đạt được tất cả các CĐR của học phần đó. Các nội dung không trực tiếp liên quan đến CĐR của buổi học/bài học nên được tinh giảm.
- Khuyến khích giảng viên thiết kế và triển khai ĐTTT học phần theo định hướng “học tập tích cực” và “lấy người học làm trung tâm”, tạo điều kiện để người học được tương tác, thảo luận trong khuôn khổ thời gian cho phép của buổi học. 
- Trong trường hợp tổ chức kiểm tra – đánh giá theo phương thức trực tuyến, các bài thi, kiểm tra – đánh giá phải được giảng viên xây dựng và thực hiện nhất quán với các phương pháp kiểm tra – đánh giá đã mô tả trong đề cương chi tiết học phần theo phương thức ĐTTT; đảm bảo sự phù hợp, độ tin cậy và đặc biệt chú trọng việc đánh giá được mức độ thành thạo của người học đối với các CĐR của học phần.
- Giảng viên thông qua các công cụ ĐTTT phải tạo điều kiện cho người học được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi các học liệu điện tử của học phần. Giảng viên có thể thực hiện bản quyền tác giả (copyright) đối với học liệu do mình xây dựng, biên soạn; trích dẫn phù hợp các học liệu của các tác giả khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Giảng viên thông báo khoảng thời gian cũng như hướng dẫn cho người học cách tiếp cận, truy cập các học liệu điện tử liên quan đến học phần.
- Phương thức ĐTTT được công nhận như phương thức đào tạo trực tiếp (kèm minh chứng của quá trình ĐTTT). Minh chứng việc giảng dạy (ghi âm, ghi hình) phải được lưu trữ trên MS Teams để Phòng Đào tạo kiểm tra, kiểm soát tiến độ giảng dạy.


3.5. Đối với sinh viên
3.5.1. Đối với sinh viên tham gia khóa học trực tuyến:

- Đăng nhập khóa học và tham gia học tập trên phần mềm MS Teams.
- Thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà trường và yêu cầu của giảng viên.
- Tích lũy tín chỉ học tập ở khóa học trực tuyến được công nhận như khóa học tập trung truyền thống (ĐTTTTT).


3.5.2. Đối với sinh viên không tham gia các khóa học trực tuyến: 
- Trường hợp sinh viên không tham gia học trực tuyến các học phần đã đăng ký ở học kỳ 2, năm học 2019 – 2020, với lý do chính đáng sinh viên phải làm đơn (theo mẫu phiếu đề nghị không học trực tuyến) gửi về Phòng Đào tạo trước ngày 30/04/2020 học phần mà sinh viên không tham gia học. Nếu sinh viên không làm đơn trong thời gian quy định thì mặc định sinh viên vẫn đang theo học khóa học trực tuyến.
- Đối với sinh viên không tham gia học trực tuyến đã làm đơn và được nhà trường đồng ý, Phòng Đào tạo sẽ tổ chức lớp học tập trung truyền thống (ĐTTTTT) khi có đủ điều kiện mở lớp. Sinh viên tự chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ so với kế hoạch học tập.


B. QUY TRÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN


1. Quy trình tổ chức: 
1.1. Đối với giảng viên:
Giảng viên thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại  (Phụ lục 1a)
- Giảng viên tạo lớp học, báo cáo điều kiện học tập của sinh viên, gửi bài/giáo trình/tài liệu, câu hỏi, mẫu đề thi/câu hỏi thi trước cho sinh viên; tổ chức giảng dạy; chỉ báo cáo các nội dung liên quan đến dạy – học cho Khoa và Phòng Đào tạo khi cần; lưu lại minh chứng giảng dạy, thảo luận và chịu trách nhiệm về nội dung bài giảng và các vấn đề thảo luận đưa lên hệ thống ĐTTT. 
- Giảng viên không được tự ý lập lớp ngoài các lớp học phần do Phòng Đào tạo lên lịch và quản lý.
- Chủ động tổ chức dạy học dưới hình thức ĐTTTĐB theo kế hoạch trên MS Teams. Kết thúc mỗi buổi dạy học, cần lưu trữ minh chứng để phục vụ cho việc quản lý ĐTTT.


1.2. Đối với sinh viên: Sinh viên thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại  (Phụ lục 1b)
- Nghiêm túc tham gia học tập, theo dõi thời khóa biểu trên website của Nhà trường vào chiều thứ 6 hàng tuần để tham gia các lớp học phần trên MS Teams.
- Phản hồi trực tuyến trên MS Teams trong hoặc sau từng buổi học về tình hình học tập, những thuận lợi và khó khăn nhằm giúp cho giảng viên kịp thời điều chỉnh và cải tiến hoạt động dạy học.
- Tham gia lấy ý kiến khảo sát các lớp học phần theo biểu mẫu với phương thức ĐTTT theo quy định của Nhà trường.


2. Quản lí đào tạo:
2.1. Về điều kiện tổ chức đánh giá học tập:

Việc tổ chức thi đánh giá học phần chỉ được tiến hành khi giảng viên đã hoàn thành thời lượng giảng dạy của học phần.


2.2. Về công nhận kết quả học tập:
- Điểm đánh giá tổng kết nội dung học trực tuyến của người học được tính là điểm đánh giá thường xuyên của học phần với trọng số là 40% tổng điểm của học phần, cụ thể:
 + Điểm chuyên cần tham gia vào từng buổi của khóa học: 10% bằng phần mềm MS Teams.
+ Kiểm tra giữa kỳ (30%): Theo 02 phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
+Thi kết thúc học phần (60%): Theo 02 phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
    - Đối với phương thức tổ chức thi trực tiếp (tập trung): Giảng viên đăng kí thời gian trước ngày 29/05/2020 tại Phòng Đào tạo.
- Đối với phương thức trực tuyến: Công khai hình thức thi (vấn đáp, trắc nghiệm hoặc tiểu luận) cho sinh viên đồng thời đăng kí với Phòng Đào tạo để nắm bắt và theo dõi, cụ thể:
+ Thi vấn đáp: giảng viên quay lại toàn bộ buổi thi và ghi âm lại buổi thi đó, tự lưu trữ và nộp lại khi có yêu cầu.
+ Thi trắc nghiệm: sử dụng hệ thống E-learning của Nhà trường, giảng viên và người quản lý hệ thống đều phải lưu lại minh chứng toàn bộ file điện tử để đối chứng. Khi có yêu cầu của Khoa và Phòng Đào tạo phải cung cấp đầy đủ minh chứng chi tiết cho bài thi đó. 
+ Viết tiểu luận: file mềm tự lưu trữ hoặc file cứng bài tiểu luận mà sinh viên thực hiện.

 

=>Thông tin chi tiết hướng dẫn xem tại đây