UD-CK
18/09/2020 09:48 am

Chỉ học Tiếng Việt 10 tháng đến 1 năm trước khi vào Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum học chuyên ngành nhưng có thể giao tiếp với giảng viên và các bạn sinh viên người Việt, đọc thành thạo các tài liệu, viết bài luận bằng Tiếng Việt đúng chính tả, câu cú gãy gọn… Đó là những điều mà đa số các bạn lưu học sinh Lào gây ấn tượng với tất cả giảng viên, sinh viên trong UD-CK.

 

“Tiếng Việt, tự nhiên của nó đã khó rồi”

 

“Đối với em khi học Tiếng Việt, tự nhiên của nó đã khó rồi, bởi vì Tiếng Việt rất là phong phú và bao la và cũng rất phức tạp”, đó là câu trả lời của bạn Buatavan Dodo, sinh viên năm nhất, ngành Quản trị kinh doanh thuộc Khoa Kinh tế khi được hỏi học Tiếng Việt có khó không.

 

 

Để “hạ gục” được những khó khăn trong việc học Tiếng Việt, Dodo đã chọn cách tiếp xúc với các bạn Việt Nam nhiều hơn dù ban đầu còn nhiều trở ngại, thường xuyên nói chuyện về các chủ đề khác nhau, lúc lên lớp em sẽ chú ý lắng nghe giảng viên giảng bài. Đặc biệt, em dành nhiều thời gian để tự học và tìm hiểu về ngữ pháp, chính tả.

 

Còn cô gái nhỏ bé, xinh xắn Souvannaphong Acksonechit lại chọn một ngành học thường “dành cho phái mạnh”: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Khoa Kỹ thuật – Nông nghiệp. Hỏi Acksonechit sao lại chọn một ngành học “vất vả” như thế, cô bé cười bảo “Em chọn học ngành này tại vì họ hàng của em 90% làm về xây dựng cầu đường. Mặt khác, em cũng thích đặt ra các thách thức cho bản thân nên em thấy ngành học này rất thú vị. Hiện tại, đất nước Lào cũng đã mở rộng các công trình xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài, vì thế ngành xây dựng đang được quan tâm tại nước em. Nên trong tương lai em mong muốn trở thành một kỹ sư thiết kế để có thể xây dựng, phát triển các công trình giao thông cho nước mình”.

 

 

Sinh viên Souvannaphong Acksonechit

 

Acksonechit chia sẻ, với em Tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ dễ học. Khi mới bắt đầu, em rất lo lắng vì nếu không hiểu ngôn ngữ sẽ không thể vào đại học được. Em đã gặp nhiều khó khăn về phát âm, nghe và những từ ngữ chuyên ngành. Em đặt ra cho bản thân những quy định như phải học thuộc 1 ngày 10 từ và hiểu đúng nghĩa, đọc đi đọc lại tài liệu và sách truyện Việt Nam. Dám nói và thường xuyên hỏi các thầy cô những chỗ nào không hiểu. Một số từ chưa biết phải tra từ điển, làm nhiều bài tập và giao lưu nói chuyện nhiều với sinh viên Việt Nam để nâng cao kiến thức Tiếng Việt của mình.

 

Hiện tại, cả Acksonechit và Dodo đã có thể tự tin giao tiếp với giảng viên, các bạn cùng lớp và có thể viết luận, bài thuyết trình bằng Tiếng Việt rõ ràng, mạch lạc.

 

Sinh viên Acksonechit và Dodo say mê hoàn thiện khóa luận của mình

 

“Chính các bạn Việt Nam đã chủ động giúp em hòa nhập”

 

Là một công dân Lào nhưng lại thích đất nước láng giềng Việt Nam vì “em rất thích những người Việt Nam sang Lào kinh doanh, buôn bán, em muốn nói chuyện nhiều với họ nên càng có động lực để học thêm về Tiếng Việt”, đồng thời cùng với ước muốn trở thành một nhân viên ngân hàng, cô gái Thepsombud Linda đã quyết định chọn ngành Tài chính Ngân hàng tại UD-CK là nơi gửi gắm giấc mơ của mình.

 

Ban đầu, Linda gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với môi trường mới do chưa tự tin vào khả năng nói tiếng Việt của bản thân. Nhưng điều khiến Linda bất ngờ là chính các bạn sinh viên người Việt đã chủ động bắt chuyện, giải thích và dạy Linda nói Tiếng Việt sành sỏi hơn.

 

Còn cậu bạn thân của Linda, Vanxay Phouanun, học ngành Kế Toán lại nhận xét “Các thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ khi em cần”.

 

Chia sẻ lý do quyết định “khăn gói” sang Việt Nam học tập, Vanxay Phouanun tâm sự “Trước đây, bọn em chỉ biết một ít thông tin về văn hóa, con người Việt Nam qua báo đài nhưng sang đây học chúng em có thể trực tiếp tìm hiểu về nền văn hoá của đất nước mà mình yêu thích. Không chỉ được giao lưu, học hỏi các kiến thức mà em và các bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn lạ, độc đáo, được biết đến các chương trình, lễ hội của một số dân tộc ở vùng Tây Nguyên”.

 

 

Cậu bạn Buatavan Dodo không giấu được sự hào hứng khi nói về lý do mình trở thành sinh viên UD-CK “Việt Nam là nước kết nghĩa anh em rất chặt chẽ từ lâu với Lào cho nên em muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa của đất nước này và em rất tự hào khi được học ở đây”.

 

UD – CK giống như “ngôi nhà thứ hai”

 

“Khi vào học tại UD-CK, chúng em được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện chỗ ăn, ở và học tập rất chu đáo, thuận lợi. Phòng kí túc xá thông thoáng, có đầy đủ giường, tủ, điện nước... phục vụ cho sinh hoạt và học tập. Ở trên lớp cũng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và thiết bị học tập. Các thầy cô trong trường cũng rất thân thiện và nhiệt tình đã giúp em tiếp thu được rất nhiều kiến thức. Em tin rằng sau 4 năm, những gì học được sẽ đáp ứng nhu cầu của em về ngành nghề đang theo đuổi” Thepsombud Linda chia sẻ về nơi đang dần biến ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng của em thành sự thật.

 

Không chỉ hoàn thành các buổi học trên giảng đường, các bạn lưu học sinh Lào còn nhiệt tình, năng động tham gia các hoạt động của khoa, trường. Hỗ trợ các buổi chụp hình kỷ yếu, dịch các tài liệu cần thiết sang tiếng Lào. Chính nhờ như vậy đã giúp các em tự tin hơn, đồng thời phần nào quên đi nỗi nhớ nhà, quê hương khi đang du học ở Việt Nam.

 

Khi sang học tập tại UD-CK, các bạn thường được trở về Lào 3 lần vào dịp nghỉ Tết của Việt Nam, nghỉ Tết của Lào vào tháng 4 và nghỉ hè. Tuy nhiên không phải lúc nào các em cũng sắp xếp được thời gian để về. Đặc biệt như kỳ nghỉ Tết Lào, vào đúng dịp ôn thi nên các em phải ở lại để học tập. Hay vào kỳ nghỉ hè nhưng các em đăng ký đi tình nguyện, tham gia một số chương trình từ thiện của trường hay có bạn đi làm thêm cũng đều không trở về nhà.

 

 

“Em có cảm thấy rất nhớ gia đình muốn gặp mọi người ở nhà nhưng các em phải cố gắng học tập, với bọn em ở đây cũng được xem như là nhà vậy”, Vanxay Phouanun nói.

 

 

Không chỉ riêng Vanxay Phouanun mà với đa số các bạn lưu học sinh Lào, UD-CK hiển nhiên đã trở thành “ngôi nhà thứ hai”. Ở nơi này, mái trường, ký túc xá là nhà, thầy cô là bố mẹ, bạn bè là anh em. Chính những tình cảm ấm áp, gần gũi và sự quan tâm chu đáo, đúng lúc của các thầy cô, ban quản lý nhà trường, đặc biệt là các bạn sinh viên người Việt đã giúp những “đôi chân” trên con đường chinh phục giấc mơ của các bạn trẻ Lào thêm vững chãi và tự tin hơn.

 

“Em mong muốn Phân hiệu của chúng ta luôn phát triển, nổi tiếng, càng ngày càng có nhiều sinh viên và luôn tạo điều kiện tốt cho sinh viên học tập, đặc biệt với sinh viên nước ngoài như bọn em để có thêm nhiều hơn nữa lưu học sinh đến đây học tập”, cô gái Souvannaphong Acksonechit tâm sự.

 

Cô Đinh Thị Thanh, cán bộ quản lý lưu học sinh Lào cho biết, các em lưu học sinh đang học tập tại Phân hiệu luôn nhận được sự yêu thương, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất từ phía nhà trường, quý thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam. Trong học tập, các giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo để giúp cho lưu học sinh Lào học tập tốt, hiểu bài đồng thời tạo động lực khích lệ các em như chia nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến. Phòng Đào tạo còn tổ chức các buổi học mời giảng viên phụ đạo ngoài giờ lên lớp các môn cơ bản như Toán, Tin học, tổ chức học nhóm sinh viên Việt Nam kèm Lưu học sinh Lào… Nhờ đó các em có tiến bộ rất rõ rệt, khả năng Tiếng Việt tốt hơn mỗi ngày. Đã có 3 sinh viên Lào nhận học bổng khuyến khích học tập của nhà trường.

 

Không chỉ tham gia đầy đủ các buổi học trên giảng đường mà các em còn phát huy khả năng ca hát, múa trong các cuộc thi văn nghệ 20/11 Tri ân người lái đò; tham gia các hoạt động do Nhà trường tổ chức như Cuộc thi Khởi nghiệp; các hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày quốc khánh nước CHDCND Lào…

 

“Bên cạnh những sinh viên có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện thì vẫn còn một số em vẫn đang gặp khó khăn về nói, nghe Tiếng Việt dẫn đến chưa tiếp thu được hết kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tuy nhiên, với sự tâm huyết, nhiệt tình của các giảng viên sẽ luôn hỗ trợ tốt nhất cho các em. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới các lưu học sinh Lào đang theo học tại UD-CK sẽ đạt được những thành tích tốt nhất, trở thành những cử nhân, kỹ sư có đủ năng lực, tài đức để có thể quay về phục vụ vì sự phát triển của nước bạn Lào”, cô Thanh chia sẻ.